Cộng đồng kiều bào nói chung ngày càng tăng về số lượng và mở rộng về địa bàn với khoảng 6 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 0,6 triệu là chuyên gia, trí thức. 

Giữa tháng 9 vừa qua, gặp gỡ đại diện cộng đồng 2,2 triệu người Việt Nam tại Hoa Kỳ - một trong những cộng đồng thành công, năng động, sáng tạo nhất tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh; đề nghị bà con tiếp tục đồng hành cùng đất nước và đóng góp cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và đồng bào ta ở Hoa Kỳ nói riêng, "là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam", với việc ban hành và thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong một bài viết sâu sắc bàn về phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại sứ Ngô Hướng Nam và cộng sự nhận định, thời gian tới, cộng đồng NVNONN sẽ tiếp tục phát triển về số lượng và địa bàn cư trú.

Thế hệ trẻ NVNONN được đào tạo trong môi trường giáo dục, văn hóa tiên tiến, tiếp cận với tư duy, phương pháp, công nghệ mới sẽ là thế hệ kế cận, đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động kinh tế - xã hội của cộng đồng. Đây sẽ là nguồn lực tiềm năng khi thế hệ này thành đạt, trưởng thành trong công việc.

Việc thu hút nguồn lực NVNONN cần dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng nguồn lực, đồng thời đặt trong tổng thể chính sách đại đoàn kết dân tộc, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước, góp phần hỗ trợ NVNONN sinh sống ổn định, tiếp tục đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước

Với tinh thần đó, với nhãn quan của một nhà ngoại giao thâm niên, Đại sứ Ngô Hướng Nam và cộng sự cho rằng, để phát huy hiệu quả nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần quan tâm các giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục thống nhất nhận thức chung về chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng NVNONN; cân nhắc đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của NVNONN; động viên, khen thưởng, vinh danh NVNONN có đóng góp tích cực, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế của đất nước.

W-kieubao-3.png
Gặp gỡ đại diện cộng đồng 2,2 triệu người Việt Nam tại Hoa Kỳ - một trong những cộng đồng thành công, năng động, sáng tạo nhất tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh; đề nghị bà con tiếp tục đồng hành cùng đất nước và đóng góp cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.

Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN yên tâm về nước sinh sống, làm việc. Nghiên cứu mở rộng hơn khả năng cho NVNONN nhập hoặc trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải bỏ quốc tịch nước ngoài, bảo đảm nguyên tắc một quốc tịch “mềm dẻo” và tạo điều kiện thuận lợi để “giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng yêu cầu của NVNONN liên quan đến vấn đề quốc tịch”. Tiếp tục thúc đẩy việc sửa đổi các luật liên quan đến quyền lợi thiết thân của NVNONN, như xuất, nhập cảnh, cư trú, đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đầu tư,... phù hợp với quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và tinh thần của Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW về công tác đối với NVNONN.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai cơ chế, chính sách về thu hút, trọng dụng trí thức, chuyên gia NVNONN. Xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể về thu hút chuyên gia, nhà khoa học NVNONN tham gia hoạt động khoa học - công nghệ tại Việt Nam; bổ nhiệm chuyên gia, trí thức NVNONN có năng lực vào các vị trí lãnh đạo tại cơ quan nghiên cứu khoa học, trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo, sản xuất, kinh doanh, các dự án đặc biệt ở những lĩnh vực mà trong nước ưu tiên phát triển hoặc còn thiếu kinh nghiệm.

Nghiên cứu mở rộng mô hình mời chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia các ban/tổ tư vấn giúp Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương để chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến tổ chức quản lý, quy hoạch phát triển trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Mỗi địa phương, ban, bộ, ngành cần dựa trên đặc điểm và nhu cầu thực tiễn để xây dựng chiến lược và chính sách linh hoạt để trọng dụng nguồn lực NVNONN phù hợp; tránh trường hợp áp dụng rập khuôn, máy móc, không thiết thực, gây lãng phí nguồn chất xám của đất nước. Cùng với đó, cần biểu dương, khuyến khích, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo về thu hút, trọng dụng nhân tài; kết hợp tuyên truyền, quảng bá thông tin để tạo động lực, cũng như sức lan tỏa đối với cộng đồng trí thức, chuyên gia NVNONN.

Tạo cơ chế trao đổi thông tin thường xuyên giữa chuyên gia NVNONN với cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước để trao đổi về nhu cầu hợp tác cụ thể. Nghiên cứu xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia, trí thức NVNONN có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ. Trao quyền cho người đứng đầu chịu trách nhiệm xem xét, đặc cách lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm cá nhân thực sự có tài năng và khả năng đóng góp phù hợp.

Thứ tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nhất là ở khâu thực thi, triển khai ở cơ sở theo hướng minh bạch, thuận lợi, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách ưu đãi, dự án, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư tới cộng đồng NVNONN. Triển khai chính sách khuyến khích nguồn kiều hối đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dự án hợp tác công - tư, đặc biệt là nghiên cứu biện pháp khuyến khích hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh do NVNONN thực hiện hoặc thông qua thân nhân ở Việt Nam. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, kết nối và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào các trung tâm thương mại của NVNONN và các hệ thống phân phối của nước ngoài.

Thứ năm, hỗ trợ cộng đồng có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định, phát triển và hội nhập vào sở tại; khuyến khích mọi hình thức tập hợp, đoàn kết NVNONN trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với pháp luật và phong tục, tập quán của nước sở tại và Việt Nam. Củng cố, phát triển các hội đoàn chuyên gia, trí thức, doanh nhân, thanh niên, sinh viên NVNONN làm nòng cốt, dẫn dắt sự phát triển của cộng đồng. Tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tập huấn triển khai công tác hội, đoàn dành cho lãnh đạo hội, đoàn chủ chốt. Hỗ trợ các sáng kiến, chương trình của NVNONN, nhất là các hoạt động về nguồn, giáo dục truyền thống, dạy và học tiếng Việt, hội trại dành cho thanh thiếu niên NVNON.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh kinh tế hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu mới. Các văn bản chỉ đạo của Đảng về công tác đối với NVNONN đều xác định nhiệm vụ quan trọng là phát huy mạnh mẽ nguồn lực của toàn dân tộc, trong đó có cộng đồng NVNONN trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hải Vân (lược trích)