Nỗ lực để tuân thủ các thông lệ quốc tế

Biến đổi khí hậu đang diễn ra hàng ngày. Tại Việt Nam, chúng ta có bằng chứng rõ ràng về tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

“Xanh hóa” tín dụng là một trong những hành động được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, nhất là khi Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức độ ô nhiễm cao. Tại Việt Nam, tín dụng xanh đang là một xu thế tất yếu và đã nhận được sự quan tâm của các ngân hàng thương mại.

Tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng được ngành Ngân hàng hỗ trợ các dự án sản xuất, kinh doanh không gây rủi ro, hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung.

Nhằm mục đích hướng đến sự phát triển bền vững, các tổ chức tài chính sẽ cần kết hợp thêm những vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị trong việc đưa ra quyết định để đảm bảo khả năng giám sát tốt, không chỉ đối với các khoản tiền do người gửi và nhà đầu tư ủy thác, mà còn đối với môi trường hoạt động của đơn vị mình

Để đảm bảo khả năng chống chịu của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều bước công việc để thúc đẩy tài chính bền vững, bao gồm việc đưa ra các hướng dẫn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng.

Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động không đồng nhất với việc một số ngân hàng tuân thủ các yêu cầu tối thiểu; hiện nay chỉ có một số ngân hàng nỗ lực để tuân thủ các thông lệ quốc tế. Thông qua việc sử dụng các nghiên cứu điển hình và thông lệ tốt nhất từ quốc tế, sự kiện đã bổ sung kiến thức cho các ngân hàng trong nước, tập trung kiến thức liên quan đến quản trị tốt các tác động của rủi ro, cấu trúc và quy trình liên quan để giúp xác định, đánh giá và quản lý những rủi ro này.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 25/9/2012, theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg với 03 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chiến lược, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014–2020 với 4 chủ đề chính gồm: Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Ngày 01/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trong đó, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ngày 06/8/2015 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 1552/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng với mục tiêu là thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đồng thời, nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện cấp tín dụng cho các ngành kinh tế xanh, phát triển các sản phẩm và dịch vụ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng xanh.

Ngày 07/8/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và các chương trình tín dụng góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả, tạo sinh kế và nâng cao mức sống của người dân, giải quyết từng bước các vấn đề môi trường và xã hội; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực theo hướng đầu tư theo chiều sâu, sử dụng công nghệ cao.

Trên cơ sở bám sát các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, với vai trò, nhiệm vụ, chức năng của ngành Ngân hàng, thời gian tới, NHNN tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành Ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể:

(i) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tín dụng xanh, ngân hàng xanh; hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD để triển khai thực hiện các nội dung về tín dụng xanh đặt ra tại Luật Bảo vệ môi trường 2020;

(ii) Nghiên cứu, xây dựng, tích hợp các nội dung nhiệm vụ của NHNN triển khai Kế hoạch hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 (Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu) trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

(iii) Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường; các dự án, chương trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.​

Thời gian tới, NHNN tiếp tục thực hiện lồng ghép quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội vào quy chế cho vay của các TCTD đối với khách hàng, tạo cơ sở pháp lý cho các TCTD thực hiện. Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 ngành kinh tế còn lại trong tổng số 21 ngành chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.

Mục tiêu đối với ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 là 100% ngân hàng xây dựng được bộ quy tắc về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Ngoài ra, ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Hải Vân