Hơn một thập niên trở lại nay, ngành du lịch đã chú trọng đầu tư, khai thác, phát triển du lịch ở khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Các hoạt động du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, khai thác cả tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, theo các phương thức truyền thống và hiện đại.

Lâm Ðồng từng được biết đến với các sản phẩm dệt thổ cẩm đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên trước đây chỉ là nhà ai dệt nhà nấy có chứ chưa hình thành các làng nghề dệt thổ cẩm như hiện nay.

Nhờ tích hợp giữa bảo tồn di sản với thúc đẩy du lịch, giờ đây tại Lâm Đồng, có hai làng nghề dệt thổ cẩm B’Nơ C (xã Lát – Lạc Dương) và làng nghề K’Long (xã Hiệp An – Ðức Trọng). 

Ảnh minh hoạ

Nghề dệt ở buôn B'Nớ C hồi sinh đón du khách 

Nằm dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, buôn B'Nớ C là nơi sinh sống lâu đời của người Lạch (K'Ho) bản địa, đang lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa và là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm.

Toàn buôn có 112 hộ đồng bào Lạch bản địa, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng cà phê, rau, hoa thương phẩm, việc dệt thổ cẩm được đàn bà, con gái làm lúc nông nhàn. 

Những năm gần đây, nhờ sự tích hợp giữa bảo tồn di sản qua thúc đẩy du lịch, làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống được khôi phục và phát triển, thổ cẩm trở thành hàng hóa có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Ngày càng nhiều du khách ghé qua buôn làng, tìm hiểu văn hóa cộng đồng đã “đánh thức” cả buôn làng cùng vào cuộc gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống. Việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khai thác tiềm năng, thế mạnh là hướng đi bền vững và hiệu quả, không chỉ góp phần khôi phục, phát triển nghề dệt đang bị mai một, tạo nên sự đa dạng của sản phẩm du lịch, mà còn giúp tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của đồng bào nơi đây.

Giờ đây, buôn làng khang trang, sạch đẹp hơn, ấm no hơn. Những ngôi nhà gỗ mộc mạc có ô cửa sổ đủ màu hướng ra đường làng. Đồng bào người K’Ho nơi đây vẫn giữ nguyên nét văn hóa độc đáo với thổ cẩm, ẩm thực rượu cần, cà phê và cả hoa hồng. Sự thay da đổi thịt thấy rõ nhất trên từng đường thôn, ngõ xóm, những con đường ngang ngõ dọc trong buôn đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.

Nhờ đó, mỗi năm, huyện Lạc Dương đón khoảng 1,5 triệu lượt du khách. 

K’long phục sinh sắc màu thổ cẩm

K'long là một buôn làng nhỏ thuộc thôn Darahoa nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, là khu định canh, định cư của hơn 300 hộ đồng bào các dân tộc K’Ho, Chill.

Từ lâu, buôn làng nổi tiếng với bức tượng chú gà trống 9 cựa cao 3,2 m, nặng kỷ lục 8 tấn ở giữa làng. Đó là câu chuyện tình cảm động xoay quanh mối tình của một đôi trai gái đã phải bỏ mạng vì kiệt sức trên đường tìm kiếm sản vật hồi môn là gà chín cựa do cha chàng trai thách cưới. Bức tượng gà còn như lời nhắc nhở xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống mới. 

Không chỉ nổi tiếng với bức tượng gà mà làng K’Long cũng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc ở đây.

Với trên 60 khung dệt thủ công, nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại làng K'long đã không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các trang vật dụng thiết yếu cho đồng bào mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo cho cao nguyên Lâm Viên.

Các loại hoa văn trên thổ cẩm của người K’ho chủ yếu là hình kỷ hà, muông thú và các vật dụng quen thuộc, gần gũi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như cầu thang nhà sàn, tua cây nêu, cán xà-gạc, con thuyền, mắt chim công, lá rừng, cây chông, chim cu…

Để tạo được nét tinh xảo, màu sắc sặc sỡ, người nghệ nhân ngoài đôi tay thoăn thoắt, còn cần có khiếu thẩm mỹ cũng như biết cách phối màu khéo léo... Thực tế cũng có những khó khăn vì các thợ phải làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên tốn rất nhiều thời gian và công sức. Chẳng hạn, một tấm ui phải dệt trong nhiều ngày, một vòng đeo tay cũng mất nhiều giờ mới hoàn tất. Chưa kể nguồn nguyên liệu tự nhiên, màu nhuộm, sợi từ cây rừng hiện không còn nên hầu như phải nhập hoàn toàn từ nơi khác. Do đó, giá mỗi sản phẩm thường cao hơn so với các hàng cùng loại tại những nơi có dụng cụ dệt hiện đại. Tuy nhiên, chính tính thủ công đã làm nên nét riêng biệt cho sản phẩm nên thổ cẩm K’Long vẫn tìm được chỗ đứng cho mình.

Bình An