Sáng 14/5, giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ 70 kiều bào đại diện cộng đồng người Việt ở khu bờ Đông Mỹ. Đây là hoạt động tiếp nối nhân dịp Thủ tướng tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Tham gia cuộc gặp, phần lớn kiều bào là các giáo sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, doanh nhân,… người Việt sinh sống và làm việc tại Mỹ.
Mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển quê nhà
Bà con kiều bào bày tỏ vui mừng khi được gặp người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, đồng thời cũng nêu lên một số kiến nghị với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của quê nhà.
GS. Yang Dao, dân tộc Mông, đang giảng dạy tại ĐH Minnesota, đại diện cộng đồng người Việt khu bờ Đông chia sẻ cảm xúc với Thủ tướng, ông nói mình là người cội gốc Hà Giang và cũng là người Mông đầu tiên nhận bằng TS khoa học xã hội.
Giới thiệu với Thủ tướng về vợ, con của mình, ông nói “đây là cuộc gặp lịch sử” vì đã rất lâu ông chưa về Việt Nam.
GS. Yang Dao cho biết, cộng đồng người Mông tại Mỹ hiện có khoảng 350.000 người, sống nhiều tiểu bang, trong đó có nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, bác sĩ, luật sư. Nhiều người làm công chức nhà nước, nghị sỹ, nghị viện, thẩm phán,…
Ông bày tỏ hy vọng trong tương lai cộng đồng người Mông ở các nước Mỹ, Úc, Nga… có thể thiết lập quan hệ với cộng đồng người Mông ở Việt Nam để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp cho quê nhà.
Có kiều bào gửi đến người đứng đầu Chính phủ hàng loạt khuyến nghị về giáo dục đào tạo. Trong đó có kiến nghị Việt Nam hợp tác với Mỹ để xây dựng một trường đại học nổi tiếng Đông Nam Á, đào tạo những ngành học thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Đồng thời thiết lập chi nhánh các trường Đại học nổi tiếng như Harvard để thu hút nhiều sinh viên học tập ở những trung tâm này…
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ xúc động trước tình cảm của bà con kiều bào và cảm ơn sự đóng góp của kiều bào đối với đất nước, góp phần vun đắp mối quan hệ Việt - Mỹ.
Khẳng định "người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời" của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn luôn tạo điều kiện để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và giúp đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở nước sở tại và đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, theo thống kê, hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Tại Mỹ, cộng đồng người Việt Nam đông nhất với 2,2 triệu người và đa dạng, phong phú về ngành nghề, tuổi tác, dân tộc. Đặc biệt, đội ngũ trí thức, doanh nhân rất đông đảo, nhiều người tham gia, đóng góp trong chính quyền và văn hóa của Mỹ.
Người Việt Nam thành công tại Mỹ là thành công của đường lối đối ngoại
Nhấn mạnh đến mối lương duyên Việt – Mỹ, Thủ tướng nhắc lại trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ giá trị chung mà Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ đã nêu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Trải qua nhiều thăng trầm, sau 27 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hai bên đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Mỹ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ vào năm 2015. Trong đó nhấn mạnh tôn trọng “thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Mỹ ủng hộ Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, độc lập.
Báo cáo với bà con về kết quả Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ vừa thành công tốt đẹp, Thủ tướng cho biết, điều đó thể hiện mối quan hệ giữa hai bên ngày càng hiệu quả; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các bên; phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới.
Khái quát lại những hoạt động trong chuyến công tác tại Mỹ, Thủ tướng cho biết, Đoàn công tác có nhiều hoạt động song phương với Mỹ. Hai bên dành cho nhau sự tôn trọng, bình đẳng, xây dựng quan hệ ngày càng đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả hơn, trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau.
Thủ tướng nhấn mạnh, cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ có vai trò là cầu nối trong quan hệ giữa Việt Nam – Mỹ; tham gia đóng góp thực hiện các thỏa thuận giữa hai nước; đóng góp vào phát triển của cả Việt Nam và Mỹ.
Thành công của người Việt Nam tại Mỹ cũng là thành công của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, giá trị Việt Nam trên đất nước Mỹ; thể hiện thiện chí của Việt Nam trong hợp tác với các nước trên thế giới. Vì vậy, cần cố gắng làm tốt nhất có thể để mối quan hệ Việt - Mỹ ngày càng "đơm hoa kết trái".
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn cộng đồng người Việt Nam định cư ở Mỹ nói chung và ở bờ Đông nói riêng thực hiện tốt quy định, pháp luật sở tại; lao động, làm việc, sinh sống ổn định và ngày càng phát triển; tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thủ tướng cũng mong bà con tiếp tục có đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển đất nước và mối quan hệ Việt Nam – Mỹ vì lợi ích hai nước, nhân dân hai nước và vì hòa bình, phát triển trên thế giới.
Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn những ý kiến chia sẻ chân thành, thẳng thắn, tâm huyết của bà con kiều bào. Những kiến nghị của bà con được Thủ tướng ghi nhận và giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét.
Thủ tướng yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tiếp tục làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có công tác bảo hộ công dân, đề nghị công nhận cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ là một dân tộc thiểu số của Mỹ...
Kết thúc buổi gặp, Thủ tướng nhắn nhủ đến bà con kiều bào với câu nói: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương; con Hồng cháu Lạc phải thương nhau cùng”.
Cũng trong ngày 14/5, trước khi rời Washington D.C đến thăm trường Đại học Harvard, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới đặt hoa tại Đài tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson. Đây là vị Tổng thống thứ 3 của Mỹ và là tác giả của bản Tuyên ngôn Độc Lập của Mỹ công bố ngày 4/7/1776 và có nhiều đóng góp quan trọng khác cho đất nước Mỹ. |
Thu Hằng (Từ Washington D.C)