Lời xin lỗi trước Hạ viện của Thủ tướng Anh được đưa ra vài giờ sau khi Brian Langstaff, Chủ tịch Đơn vị Điều tra Máu nhiễm bệnh, công bố cáo buộc chính phủ Anh che đậy thảm họa từ những năm 1970-1980.
Bản báo cáo dài 2.500 trang cho thấy có thể tránh được phần lớn thiệt hại do vụ bê bối gây ra nhưng Anh “đã không đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu”. Ông Langstaff cho rằng Chính phủ Anh đã che giấu sự thật để "giữ thể diện và tiết kiệm chi phí". Người đứng đầu cuộc điều tra kéo dài 6 năm cho biết những gì đã xảy ra có quy mô kinh hoàng.
Ông Sunak tuyên bố ngày 20/5 là “ngày xấu hổ đối với Chính phủ Anh” khi xin lỗi về sự thất bại của Anh trong vụ bê bối máu nhiễm bệnh. Vị thủ tướng hứa rằng chính phủ sẽ bồi thường cho các nạn nhân dù có tốn kém thế nào.
Trong lời chỉ trích của mình, ông Sunak đã nhắc tới các bộ trưởng, công chức và Dịch vụ Y tế Quốc gia. Bản thân ông Sunak cũng bị cáo buộc đã khiến nỗi đau của các nạn nhân thêm nặng nề khi không thiết lập kế hoạch bồi thường một năm trước khi ông Langstaff đề xuất lần đầu tiên.
Sunak nói thêm: “Đây là lời xin lỗi từ Chính phủ Anh tới từng người bị ảnh hưởng. Mọi chuyện đáng nhẽ không xảy ra như vậy. Thay mặt cho Chính phủ Anh kể từ những năm 1970, tôi thực sự xin lỗi”.
Vụ bê bối máu nhiễm bệnh là một trong những thảm họa y tế tồi tệ nhất trong lịch sử của Cơ quan Y tế Quốc gia Anh. Các nạn nhân còn sống sót và gia đình những người đã mất tìm kiếm công lý trong nhiều năm. Tờ Sunday Times đưa tin Anh sẽ chi hơn 12,7 tỷ USD để bồi thường cho hàng nghìn người bị điều trị bằng máu “bẩn” trong những năm 1970 và 1980.
Trong đó, 80 đến 100 người nhiễm HIV do truyền máu, khoảng 26.800 người nhiễm viêm gan C, thường do nhận máu sau khi sinh con hoặc phẫu thuật. Ước tính có khoảng 3.000 người được cho là đã chết. Trong một số trường hợp, các sản phẩm máu lấy từ các tù nhân Mỹ hoặc nhóm có nguy cơ cao khác đã được sử dụng cho trẻ em khiến chúng nhiễm bệnh.