Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của NCS vừa công bố, doanh thu cung cấp suất ăn của doanh nghiệp đạt 109 tỷ đồng, doanh thu cung cấp dịch vụ hơn 22 tỷ đồng. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 130 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, NCS có khoản thu từ một số hãng hàng không như Asiana Airlines, Nippon Airways, Japan Airlines, Emrates - EK, Korean Air, hàng không Đông Dương - VP,... 

Trong đó, khoản nợ khó đòi từ hàng không Đông Dương 1,2 tỷ đồng. Đây là khoản thu đã quá hạn 5 năm. NCS đánh giá không có khả năng thu hồi và trích lập dự phòng.

Luỹ kế năm 2022, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 413 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cung cấp suất ăn hơn 339 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi ngày bán suất ăn máy bay thu về gần 1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bán trà sữa, đồ ăn trên máy bay. (Ảnh: NCS)

Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 5,3 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy nhiên, NCS vẫn đang gánh khoản lỗ lỹ kế, âm hơn 97 tỷ đồng.

Theo lý giải của doanh nghiệp, doanh thu và lợi nhuận ghi nhận tăng mạnh so với năm 2021 là nhờ thị trường hàng không Việt Nam phục hồi nhanh. Cùng với đó, công ty cũng đẩy mạnh bán các sản phẩm non-airlines và cắt giảm chi phí. Do đó, doanh thu và lợi nhuận của kỳ này tăng cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm  trước.

Trong hai năm 2020 và 2021 vừa qua, ảnh hưởng của đại dịch, doanh thu của NCS sụt giảm. NCS lỗ lần lượt 38,1 tỷ và 76,8 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2022, NCS ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm hơn 103 tỷ đồng.

Ảnh hưởng của đại dịch, ngành hàng không tê liệt. NCS phải chuyển hướng bán sản phẩm trà sữa, bánh trung thu, cơm văn phòng,...

Dự báo năm 2023, hàng không Việt Nam tăng trưởng tích cực. Qua những ngày u ám, lợi nhuận các doanh nghiệp liên quan tới ngành này hứa hẹn hồi phục hoàn toàn trong năm nay.

Hàng không Taseco nguy cơ bị hủy niêm yếtVới kết quả kinh doanh âm 2 năm liên tục, cổ phiếu AST của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco) vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cảnh báo có nguy cơ hủy niêm yết.