Các tù nhân được Nga trao trả cho Mỹ. Video: RT
Theo hãng tin CNN, BBC và RT, trong cuộc trao đổi tù nhân, 8 công dân Nga bị giam giữ tại Mỹ, Đức, Na Uy và Ba Lan vì nhiều tội danh khác nhau đã được thả và đổi lại nước này đã trả tự do cho 16 người, trong đó có nhà báo Evan Gershkovich của tờ The Wall Street Journal, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Paul Whelan, 5 công dân Đức và các tù nhân khác.
Cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất từ thời Chiến tranh Lạnh
Theo The Hill, tổng cộng có 26 người và 7 quốc gia tham gia vào cuộc trao đổi tù nhân phức tạp diễn ra vào 1/8.
Trong số những người được Nga trả tự do có 3 công dân Mỹ và một người sở hữu thẻ xanh của nước này. Đó là Gershkovich, Whelan, nhà báo Alsu Kurmasheva của Đài phát thanh châu Âu tự do và Vladimir Kara-Muza.
Cùng lúc, 2 trẻ em và 8 người trưởng thành cũng được trao trả cho Nga. Đó là Artem Dultsev và Anna Dultseva, bị giam giữ ở Slovenia vì các cáo buộc làm gián điệp và có liên quan tới cơ quan tình báo đối ngoại của Nga. Cặp đôi này đã nhận tội. Mikhail Mikushin, bị bắt tại Na Uy vào năm 2022 với cáo buộc làm gián điệp cho Nga cũng được tự do. Roman Seleznev, một tin tặc và kẻ lừa đảo thẻ tín dụng bị kết án 27 năm tù hồi 2014 cũng được trao trả cho Nga.
Năm công dân Đức cũng được rời nhà tù ở Nga để về nước.
Trong một tuyên bố đưa ra sau khi cuộc trao đổi tù nhân được thực hiện, Tổng thống Mỹ Joe Biden ghi nhận Đức, Ba Lan, Slovenia, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đi tới thỏa thuận và gọi đó là một ví dụ mạnh mẽ về việc có những người bạn trên thế giới này mà bạn có thể tin tưởng và phụ thuộc là rất quan trọng. "Liên minh của chúng ta giúp người Mỹ an toàn hơn".
Tổng thống Nga đón nhóm tù nhân được phương Tây trả tự do.
Tổng thống Biden đạt thỏa thuận với Nga trước khi dừng tranh cử
Các quan chức Mỹ cho biết, việc đàm phán trao đổi tù nhân đã diễn ra trong nhiều tháng nhưng các chi tiết cuối cùng của thỏa thuận chỉ đạt được khi Tổng thống Joe Biden cân nhắc quyết định quan trọng về tương lai chính trị của mình.
Một quan chức của chính quyền Mỹ tiết lộ: "Một trong những điều mà tất cả các bạn có thể không biết đó là, vào Chủ nhật, khi Tổng thống tuyên bố ông không tiếp tục tranh cử... đúng 1h trước khi đưa ra tuyên bố đó, ông đã gọi điện cho người đồng cấp Slovenia, thúc giục họ thực hiện các dàn xếp cuối cùng và đưa thỏa thuận về đích".
Chiều 21/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố dừng tái tranh cử nhiệm kỳ II trước những lời kêu gọi của đảng viên Dân chủ. Ông đã nhanh chóng ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris làm ứng viên thay thế.
Một số quan chức Nhà Trắng hôm 1/8 đã chỉ ra rằng những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân với Nga là một ví dụ về sự sẵn lòng của ông trong việc đặt trọng trách tổng thống lên trên tham vọng chính trị của riêng mình.
Đức đóng vai trò quan trọng
Hôm 1/8, Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần phát biểu rằng việc trao đổi tù nhân nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh. Tuy nhiên, ông có lời khen ngợi đặc biệt dành cho Đức.
"Tôi đặc biệt biết ơn Thủ tướng Đức. Những yêu cầu mà Nga đưa ra đòi hỏi tôi phải nhận được sự nhượng bộ đáng kể từ Đức, khi mà ban đầu Berlin cho rằng không thể làm được", ông Biden nói.
Người Nga đặc biệt quan tâm tới việc trả tự do cho Vadim Krasikov, người bị Đức kết án vì sát hại một công dân Gruzia ở Berlin. Krasikov bị kết án chung thân năm 2021, sau khi một thẩm phán Đức cho rằng người này hành động theo mệnh lệnh của chính quyền Nga.
Tổng thống Mỹ đã trao đổi với Thủ tướng Đức Olaf Scholz về các khía cạnh của một thỏa thuận tiềm năng khi nó được triển khai và các quan chức chính quyền Mỹ đã trích dẫn vai trò của Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Scholz tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2.