Số liệu từ Statista cho thấy, doanh thu thị trường smarthome toàn cầu ước đạt 126,1 tỷ USD trong năm nay. Con số này dự kiến sẽ tăng lên thành 207,8 tỷ USD vào năm 2026.
Nhìn nhận khái niệm nhà thông minh ở một góc độ rộng, Statista đánh giá doanh thu thị trường smarthome Việt Nam năm 2020 đạt 240 triệu USD và đang tăng trưởng nóng.
Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng quan về thị trường smarthome Việt Nam 2022 vừa được Lumi thực hiện, doanh thu từ thị trường nhà thông minh tại nước ta hiện đạt 100 triệu USD. Con số này có thể tăng lên thành thành 250 triệu USD trong 5 năm tới đây.
Lý giải cho nhận định của mình, ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Lumi cho biết, số liệu này có đôi chút khác biệt bởi vấn đề định nghĩa.
So với Statista, Lumi định nghĩa nhà thông minh theo hướng hẹp hơn. Trong đó bao gồm các thiết bị được kết nối Internet có thể giám sát và điều khiển tự động qua hệ thống cảm biến, smartphone hoặc trợ lý ảo.
Chia sẻ thêm, vị chuyên gia này cho biết xu hướng nhà thông minh năm 2022 được dự báo sẽ tập trung vào giải pháp an ninh, thiết bị gia dụng thông minh với sự hỗ trợ của trợ lý ảo bằng giọng nói như Alexa, Siri và Google Assistant.
Ngoài ra, các hệ thống quản lý năng lượng, cảm biến chuyển động, hệ thống chăm sóc sức khỏe, robot trợ lý, đèn thông minh, điện lưới thông minh, các tính năng tự điều chỉnh và trí thông minh nhân tạo cũng sẽ là những điểm nhấn của thị trường nhà thông minh năm nay.
Trong năm 2022, các “ông lớn” về smarthome là Apple, Samsung, Google và Amazon sẽ có những đột phá khiến ngôi nhà thông minh trở nên ngày càng thiết thực. Đó là lúc các thiết bị có thể “giao tiếp” với nhau và phối hợp tạo nên tiện ích cho gia chủ, như đồng hồ báo thức ra lệnh cho đèn bật sáng khi chủ nhân thức dậy.
Giao thức Matter được dự báo sẽ là giao thức tiêu chuẩn, cho phép các thiết bị “trò chuyện” với nhau mà không cần đến trợ lý ảo hay smartphone. Hơn 100 thiết bị thông minh theo tiêu chuẩn này được kỳ vọng sẽ xuất hiện trong vài năm tới.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện hồi tháng 1/ 2021, 70% người tiêu dùng trên thế giới đã nâng cấp nhà ở trong khoảng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19. Hơn 51% trong số đó sử dụng các thiết bị thông minh trong năm 2020.
Trung bình, người tiêu dùng đã mua thêm 2 thiết bị thông minh kể từ tháng 3/2020 để đáp ứng nhu cầu ở nhà nhiều hơn trong thời kỳ đại dịch. Riêng người tiêu dùng thế hệ Z mua trung bình 3 thiết bị thông minh trong khoảng thời gian này.
Các thiết bị thông minh được người dùng chọn mua khá đa dạng, từ camera WiFi, đèn, loa thông minh, ổ cắm, cảm biến chuyển động,... Bất kể các thiết bị được mua, người tiêu dùng đều nhất trí cao (82%) rằng một ngôi nhà có thiết bị thông minh sẽ mang lại những lợi ích đáng kể.
Khi tham gia khảo sát, 3/5 tổng số người cho biết họ khó tìm được không gian riêng để nghỉ ngơi và giải trí khi ngôi nhà đã trở thành “văn phòng” trong đại dịch. Để cải thiện điều này, 63% đã chọn mua các thiết bị nhà thông minh.
Đáng chú ý, gần 39% người tiêu dùng muốn nâng cấp thiết bị trong nhà và 41% sẽ tân trang một căn phòng với các thiết bị thông minh tự lắp đặt nếu cảm thấy chúng giúp đáp ứng nhu cầu cụ thể.
Hiện top 5 quốc gia có doanh thu smarthome cao nhất năm 2022 được dự đoán bởi Statista là Mỹ (33,66 tỷ USD), Trung Quốc (25,07 tỷ USD), Anh (9,06 tỷ USD), Đức (7,64 tỷ USD) và Nhật Bản (6,98 tỷ USD).
Trọng Đạt