Bị cáo Lê Tùng Vân (90 tuổi) - người bị cáo buộc chủ mưu trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” tại toà sáng 30/6.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, việc ban hành nghị định về xử phạt vi phạm tín ngưỡng, tôn giáo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về lĩnh vực này của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Việc ban hành một nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm khuyến cáo, cảnh báo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo biết tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm.

Khoản 2, Điều 64 - Xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định: 1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 2. Căn cứ quy định của Luật này và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt cụ thể và thẩm quyền lập biên bản đối với hành vi vi phạm hành chính; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm thêm công cụ và chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo  

Việc ban hành Nghị định xử phạt là sự thể chế chủ trương hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đảm bảo mọi người trong đó có cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cùng với đó, nghị định này nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân tôn giáo.  

Việc ban hành một nghị định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nhằm khuyến cáo, cảnh báo để mọi tổ chức, cá nhân khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo biết tôn trọng pháp luật, biết giới hạn để không vi phạm các nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng như các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.  

Nghị định được xây dựng sau 5 năm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành. Trong thời gian này, Bộ Nội vụ đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo và cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các cấp chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các ý kiến đề nghị cân nhắc, thận trọng khi quy định những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo để tránh bị lợi dụng xuyên tạc về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, kích động gây bất ổn về an ninh, trật tự an toàn xã hội; về đối tượng áp dụng; về hình thức xử phạt; về thẩm quyền xử phạt, cần có thời gian để sơ kết đánh giá việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) làm cơ sở xem xét việc ban hành Nghị định xử phạt.

Năm 2021 Bộ Nội vụ đã tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Theo báo cáo của các địa phương, vấn đề vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay diễn ra rất phức tạp, thậm chí liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nhưng thiếu quy định, chế tài xử lý. Do vậy, cần phải có quy định về chế tài xử lý theo pháp luật.
 
Việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết để đáp ứng công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Do vậy Bộ Nội vụ cho rằng việc ban hành Nghị định quy định xử phạt ở thời điểm hiện nay là cần thiết.
  
Tuy nhiên do tôn giáo là lĩnh vực nhạy cảm nên quá trình xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt thực hiện đầy đủ quy trình theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Ban soạn thảo sẽ lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, nhân dân, lấy ý kiến của các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bằng văn bản và qua các hội thảo, tọa đàm, các cuộc tiếp xúc. Trên cơ sở các ý kiến này, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt đảm bảo tính thực thi của Nghị định có hiệu lực, hiệu quả cao khi được ban hành.

Bên cạnh đó, khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền phổ quát nhất trong quyền con người được nêu tại Điều 18 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là quốc gia thành viên, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã đảm bảo tính tương thích với luật pháp quốc tế. Trong đó, cùng với việc quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Nhà nước còn tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật. Điều đó phù hợp với chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền mà trong đó quyền con người được bảo đảm.

Nghị định cũng là cơ sở để đánh giá trách nhiệm của cá nhân các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong quá trình hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật, đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm thời gian qua là hoạt động từ thiện của tôn giáo còn hạn chế như việc quyên góp, huy động sự đóng góp của nhân dân quá nhiều, việc thu chi chưa thực sự công khai, minh bạch. Vấn đề xử phạt vi phạm quy định về quyên góp liên quan đến tổ chức tôn giáo được dự thảo Nghị định đặt ra là phù hợp và khả thi. Cùng với đó, khi vấn đề xử phạt vi phạm quy định về quyên góp liên quan đến tôn giáo có hiệu lực sẽ thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tôn giáo trong thực hiện đúng quy định của pháp luật khi tổ chức các hoạt động quyên góp, hoạt động từ thiện xã hội. Hạn chế tối đa việc làm tự phát của các tổ chức tôn giáo như thời gian qua, tạo ra sự công khai, minh bạch và uy tín cho tổ chức tôn giáo trong các hoạt động quyên góp nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động từ thiện xã hội.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo có thể coi là hình thức khuyến cáo, cảnh báo, răn đe, tránh các hành vi lệch chuẩn trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. 

An Đông