Bổ sung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ đầu tư trái phiếu
Ngày 03/12/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 8857/CĐ-VPCP về tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, kịp thời phát hiện và cảnh báo các rủi ro và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài 04 ngân hàng trên, Cơ quan TTGSNH còn tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại các ngân hàng Đại chúng Việt Nam, Việt Nam Thương Tín, Đông Nam Á và Bảo Việt.
Đến thời điểm tháng 4/2022, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành thanh tra tại 07 ngân hàng. Riêng Ngân hàng Bảo Việt không thực hiện thanh tra với lý do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với ngân hàng này.
Đoàn Thanh tra đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng.
Gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về xử lý các sai phạm liên quan đến sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành.
Từ tháng 12/2021 đến tháng 4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 30/3/2022, Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022, Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các biện pháp ổn định thị trường).
Thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro
Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 71/TTCP-KHTH ngày 14/01/2022, Cơ quan TTGSNH đã thanh tra việc thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Cục Quản trị và Văn phòng Ngân hàng Nhà nước. Tháng 3/2022 đã ban hành kết luận.
Cũng trong những tháng đầu năm nay, Cơ quan TTGSNH còn thực hiện cuộc thanh tra chuyên ngành đối với Ngân hàng TNHH MTV United Overseas Bank Việt Nam và thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Lạng Sơn, Nam Định.
Theo Cơ quan TTGSNH, hoạt động thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng để kiến nghị cấp có thẩm quyền chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước và ngành Ngân hàng.
Đồng thời, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro có nguy cơ gây mất an toàn trong hoạt động; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong ngành Ngân hàng và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.
Góp phần đảm bảo việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiền tệ, ngân hàng, phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước; đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các các tổ chức tín dụng.
Năm 2021, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng tiến hành thanh tra đột xuất Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hậu Giang và Quỹ tín dụng nhân dân thị trấn Nông trường Mộc Châu
(Theo Tạp chí Thanh Tra)