UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành văn bản số 3975/UBND-VXNV chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện tổ chức Lễ hội Katê năm 2023. Theo đó, Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận sẽ được tổ chức trong ba ngày 13-15/10/2023.

tetcotruyen.png
Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận sẽ được tổ chức trong ba ngày 13-15/10/2023.


UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở VHTTDL tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND TP Phan Rang- Tháp  Chàm và  UBND huyện  Ninh  Phước  hướng  dẫn, hỗ trợ  Hội  đồng chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh tổ chức  khai mạc lễ hội Katê  năm  2023 vào sáng ngày 14.10.2023 tại 3 khu vực đền, tháp Chăm (Tháp Pô Klong Garai, Tháp  Pô Rômê và Đền Pô Inư Nưgar); chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng, địa phương có liên quan  tổ chức các hoạt động thể thao, du lịch, văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc Chăm gắn với các hoạt động lễ hội Katê đảm bảo an toàn, trật tự và đúng quy định. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Thủ trưởng  các  Sở,  Ban, ngành  có  liên quan và UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung lễ hội theo quy định. Trong đó, Công an tỉnh  triển khai các biện pháp công  tác  đảm bảo an ninh,  trật tự  trong thời gian tổ chức lễ hội Katê.

Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận thường diễn ra trong một không gian rộng lớn tại các đền tháp: Tháp Pô Klong Garai (phường Đô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm), Tháp  Pô Rômê (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước) và Đền Pô Inư Nưgar (thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước).

Lễ hội bắt đầu từ cuối tháng 6 Chăm lịch và kéo dài đến giữa tháng 7 Chăm lịch (khoảng tháng 9, 10 Dương lịch) tại các đền, tháp, làng Chăm Bàlamôn. Lễ hội Katê là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm; phản ánh nhiều khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật liên quan đến sinh hoạt và đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm.

Đối với người Chăm Bàlamôn, Katê là lễ hội lớn nhất, có ý nghĩa nhất, tác động đến nhiều mặt về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo, tình cảm của cả cộng đồng. Lễ hội là một bộ phận cấu thành nền văn hóa truyền thống Chăm mang đậm bản sắc và dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Lễ hội Katê diễn ra đầu tiên tại các đền, tháp, nhà làng, nhà các vị Sư Cả và sau cùng là tại các gia đình trong cộng đồng với những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng theo phong tục tập quán có từ lâu đời của người Chăm Bàlamôn. Mục đích nhằm tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với các vị vua, thần linh, tổ tiên, ông bà đã phù hộ, độ trì cho người Chăm trong đời sống và làm ăn.

PV