Sáng 31/7, tại Thủ đô New delhi, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp 2 tập đoàn dược lớn của Ấn Độ.
Đề nghị xây dựng công viên dược 500ha tại Nghi Sơn, Thanh Hóa
Tiếp ông P.Ramesh Babu, Chủ tịch - Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals và ông Narendra Reddy, Giám đốc điều hành Công ty Sri Avantika, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, dược phẩm Ấn Độ nhập vào Việt Nam chiếm 33% và mong muốn được nghe ý tưởng đầu tư vào Việt Nam của tập đoàn như thế nào.
Ông P.Ramesh Babu cho biết, tập đoàn mong muốn Việt Nam dành 500ha đất giải phóng mặt bằng để đầu tư công viên dược phẩm. Từ công viên này, tập đoàn sẽ thu hút các nhà đầu tư thứ cấp tham gia và sau 6-8 tháng sẽ đi vào sản xuất thương mại. Địa điểm đầu tư được SMS nêu rõ là Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tập đoàn đã đến Việt Nam khảo sát một số tỉnh thành và quyết định chọn Thanh Hóa để đầu tư.
Tuy nhiên, có một số đề xuất của tập đoàn chưa cụ thể bởi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu. Tập đoàn cũng chưa có cuộc làm việc cụ thể với Bộ Y tế.
Ông P.Ramesh Babu cho biết, công viên này là một khu sản xuất các loại thuốc tiêm điều trị covid, kháng sinh và các loại sản phẩm thuốc chống ung thư, hỗ trợ sinh sản. Mỗi một lô sẽ sản xuất được 10-15 loại sản phẩm.
“Chúng tôi muốn xây dựng nhà máy sản xuất thuốc ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư khoảng 4 – 5 tỷ USD trong thời gian 10 – 12 năm”, Chủ tịch - Giám đốc điều hành Tập đoàn SMS Pharmaceuticals nói.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, Việt Nam đang nghiên cứu, có chính sách ưu đãi phù hợp trong điều kiện hiện nay để hỗ trợ những ngành cần thu hút như công nghệ cao, trong đó có ngành y dược.
Về địa điểm đầu tư, ông Dũng cho rằng, tập đoàn chọn Nghi Sơn, Thanh Hóa là phù hợp. Tuy nhiên, quy mô đầu tư 500ha cần xem lại cho phù hợp vì đầu tư công nghệ cao cần tiết kiệm đất.
“Chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh Thanh Hóa để tạo điều kiện cho tập đoàn triển khai nhanh các thủ tục đầu tư dự án này”, Bộ trưởng KH&ĐT cam kết.
Ông P.Ramesh Babu nhấn mạnh, Việt Nam là nước phát triển năng động, có môi trường đầu tư thuận lợi và đang trở thành nơi hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, tập đoàn mong muốn và sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam.
Hoan nghênh ý tưởng đầu tư của tập đoàn, Thủ tướng nhấn mạnh, việc tập đoàn lựa chọn đầu tư công viên dược tại Việt Nam là một sự lựa chọn thông minh. Khi đã lựa chọn là hành động, đã nói là phải làm. Thành công của tập đoàn là thành công của Việt Nam trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
“Tập đoàn đã cam kết chuyển giao công nghệ, tạo ra việc làm, xây dựng công viên dược, Việt Nam phải tạo điều kiện”, Thủ tướng nói.
Xây dựng trung tâm dữ liệu liên quan xạ trị và hóa trị ung thư
Tiếp ông Dharmesh Shah - Chủ tịch sáng lập tập đoàn dược phẩm BDR, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có rất nhiều cây thuốc nhưng chế biến, sản xuất thì có hạn. Vì vậy, việc các tập đoàn dược Ấn Độ đầu tư vào Việt Nam là rất cần thiết.
Ông Dharmesh Shah cho hay, tập đoàn có công nghệ sản xuất dược phẩm dựa trên nguyên liệu thô. Vì vậy, tập đoàn mong muốn được đầu tư và trở thành nhà đầu tư chiến lược, bào chế hoàn chỉnh, nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam, đặc biệt là thuốc cho bệnh nhân ung thư.
Ngoài ra, BDR cũng vừa được thông qua hệ thống phân phối thuốc tại châu Âu. Vì vậy, việc đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp tập đoàn lập liên doanh triển khai dự án, mang lại lợi ích cho cả 2 bên.
Ngoài sản xuất thuốc, tập đoàn còn mong muốn xây dựng trung tâm dữ liệu liên quan xạ trị và hóa trị ung thư tại Việt Nam. Mô hình này đã được thực hiện tại Ấn Độ rất thành công.
Ông mong muốn có được điểm đến chẩn bệnh và điều trị bệnh thông qua trung tâm dữ liệu để mang lại lợi ích cho bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, sản xuất dược phẩm xuất khẩu.
Nêu thực tế bệnh ung thư tương đối phổ biến, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang cần chiến lược ngăn chặn, đẩy lùi ung thư để bảo vệ sức khỏe người dân.
Thủ tướng bày tỏ hy vọng hai bên cùng làm quyết liệt, trao đổi cụ thể để triển khai các dự án khả thi.