Sau hơn một tháng Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về việc tổ chức Tết Quý Mão 2023, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 22 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Một trong các nội dung quan trọng của hai Chỉ thị này là “nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức”.
Một lẽ thường tình là người Việt rất xem trọng tình nghĩa, luôn cởi mở và đón nhận những lời chúc mừng, hỏi han và biếu, tặng quà cho nhau nhân những dịp lễ, tết, kỷ niệm nào đó.
Tuy nhiên phải cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo bởi nó rất dễ được “đội lốt”, “ẩn mình” trong các quan hệ xin – cho, đổi chác hay móc ngoặc về các sự việc “đã, đang và sẽ” của những liên minh thiếu trong sáng nào đó.
Do vậy, nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực trông thấy cho cả người đi biếu lẫn người được tặng. Tuy những món quà biếu tặng Tết cho lãnh đạo bề ngoài có thể đi bằng con đường truyền thống và lễ nghi của dân tộc nhưng bên trong lại ẩn khuất, đan xen rất phức tạp của các mối quan hệ về lợi ích kinh tế, chính trị chứ không đơn thuần là các thao tác mang dáng dấp hình thức của cộng đồng văn hóa.
Nhằm đảm bảo vững mạnh của hệ thống chính trị, sự liêm khiết của đội ngũ cán bộ nhà nước và phòng chống nguy cơ của tham nhũng, tiêu cực, hơn lúc nào hết, Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng về việc cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo có ý nghĩa bức thiết hơn cả. Đó là những chỉ dẫn, cảnh báo có sức răn đe và mang tính giáo dục đối với mỗi cán bộ, đảng viên trước những “viên đạn bọc đường” trong quá trình tham chính.
Thời gian gần đây nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực bị điều tra, đưa ra xét xử cho thấy những vấn đề tưởng chừng như thông thường, giản đơn như biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo đã đi đến gần sát với thực tiễn cuộc sống, với đời tư của văn hóa và chính trị.
Chúng ta có thể thấy thông qua đây nó chỉ điểm, minh chứng và phô bày những đường đi, góc khuất mà những món hời của tham nhũng ở vĩ mô, ở cấp độ chính sách có khởi sự ít nhiều từ yếu tố quà cáp và nó như “kẻ mở đường” cho các vết trượt dài, lún sâu của một số cán bộ lãnh đạo trong quá trình điều hành và quản lý công vụ.
Thực tiễn cho thấy, những lãnh đạo bản lĩnh có tài, đức đều tránh đưa mình vào những tình huống và tư thế khó xử. Bằng nhãn quan, tầm nhìn trong quá trình tham gia chính trường, họ chủ động khước từ những lời đề nghị, quà biếu.
Bởi họ hiểu rõ rằng những thứ ấy nếu như “gần, chạm và sử dụng” nó thì tương lai sẽ đối diện với các vấn đề chằng chéo, đan xen, cài đặt lợi ích từ các lực lượng hữu hình và vô hình. Rõ ràng là chúng ta cần nhiều những nhà lãnh đạo chủ động không đưa mình vào các tình thế chịu nhiều sức ép như vậy.
Quay trở lại vấn đề về nêu cao tính gương mẫu của người cán bộ mà hiện nay Đảng ta đang khởi xướng vẫn là cái gốc của mọi sự việc, hiện tượng. Khi người cán bộ lãnh đạo, quản lý thực sự nêu gương và chính trực thì đã hình thành cho mình bức tường thành khó lay đổ, xuyên thủng mà các tác nhân, lực động của những viên đạn bọc đường có ý định muốn xuyên qua.
Quà biếu Tết dù có đi bằng hình thức nào, bằng con đường nào thì sự gương mẫu của người lãnh đạo đối với người thân, thư ký và cán bộ của cơ quan dưới quyền thì nó rất khó lọt qua các lớp lang như vậy. Thực tế cho thấy, các lực lượng mang tính chất quà biếu thiếu trong sáng, lợi dụng Tết như là dịp để trả ơn, chờ thời, tác động… đều phải tiến công vào các vòng vây để tiệm cận tới “nhân vật chính”.
Để ngăn chặn những biến tướng tiêu cực trong biếu tặng quà tết, ngoài sự ngăn cấm của Chỉ thị trong Đảng, của Thủ tướng Chính phủ thì còn có một lối chặn bên trong là đạo đức người cán bộ.
Đó chỉ có thể là sự gương mẫu, chuẩn mực của người đứng đầu. Thực hiện tốt điều này sẽ giúp linh tính, độ nhạy tinh thần bên trong của nhà chính trị mách bảo họ khước từ cũng như chủ động giữ một khoảng cách tương đối không gần với các lực lượng mang tính chất gợi quà, biếu tặng trong dịp Tết hàng năm.