Mỗi năm Tết đến xuân về, trong tâm thức của người Việt, tặng quà là cách để trao gửi niềm yêu thương, sự trân trọng. Tuy nhiên, văn hóa tặng quà đang dần bị biến tướng khi nhiều người lợi dụng dịp này để biếu tặng những món quà có giá trị vật chất lớn nhằm mục đích vụ lợi.
Trong nhiều năm trở lại đây, cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, Ban Bí thư, Thủ tướng lại ban hành Chỉ thị, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Minh Đạt |
VietNamNet ghi lại ý kiến của TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa-Giáo dục) của Quốc hội về câu chuyện quà Tết:
Chuyện quà Tết là chuyện cũ, nói đi nói lại mãi, nhưng không nói không được. Tại sao Ban Bí thư hằng năm vẫn phải ra Chỉ thị yêu cầu những việc đó? Vì vẫn có những người lẫn lộn giữa quà và hối lộ, giữa quà và những điều không phải là quà.
Người Việt Nam có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”, quà Tết là rất tốt, thể hiện người trẻ nhớ đến người già, nhớ đến những người đã giúp đỡ, chỉ bảo mình, hay quà tặng cho người thầy của mình, ông bà lì xì cho con cháu… biểu hiện sự chân tình, tấm lòng của mình, không phải số lượng bao nhiêu.
Văn hóa Việt Nam có giải thích rất rõ, không phải bằng chữ và lời mà là bằng thực tế việc thế nào là “quà”. Các cụ gọi là ăn quà, ăn quà không ai ăn cho “kễnh” bụng cả, ăn quà xong vẫn phải ăn cơm, ăn quà là để thưởng thức vị đặc biệt của nó. Tất cả món quà tặng đều có ý nghĩa tinh thần là chính, không phải vật chất.
Hàng chục tỷ không thể gọi là quà
Tuy nhiên, biện pháp như thông qua tài khoản để rót vào khoản tiền lớn thì đó không gọi là “quà” nữa. Gần đây, một loạt chuyện người này người khác có nhận quà, thật là khôi hài; hàng tỷ, hàng chục tỷ thì không bao giờ gọi là quà được.
Rõ ràng, nếu trong trường hợp để tạo ra những lợi ích nhóm, lợi ích cho bản thân làm thiệt hại đến cái chung, thậm chí chưa thiệt hại cho cái chung nhưng nó không phải là “quà” nữa, phải xem xét có phải hối lộ hay không. Việc này các cơ quan thực thi pháp luật sẽ tính ra được.
Tết truyền thống là Tết sum vầy, Tết của những gia đình, con cháu trở về với những mái ấm gia đình, với ông bà cha mẹ, nhớ đến những người thân thiết, giúp đỡ cưu mang có thể có quà, quà ở đây là tri ân, để nhớ, chứ không phải biếu xén, hối lộ.
Quy định của Ban Bí thư tôi rất đồng tình, nếu không nhiều người cố tình không hiểu. Trên - dưới không hiểu đã là đáng trách, nhưng trên đã không hiểu nữa thì thật là nguy. Cấp trên phải biết thương cấp dưới, nhận quà như thế nào cho đúng, nó thân tình, chân tình; cấp dưới thì biết kính trọng cấp trên, đừng coi thường cấp trên, đem những quà không phải là “quà” thì đã tự mình coi thường cấp trên rồi.
Việc này văn hóa chủ yếu là tự ứng xử, bây giờ cũng không có quy định nào quy định hết được. Đất nước ta còn đang khó khăn, nhất là năm vừa qua cả nước oằn mình chống dịch, phải giữ gìn làm sao đúng phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục, giữ được nghĩa tình; nhưng đồng thời cũng nghiêm kỷ cương phép nước, đã có Chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước thì mọi cán bộ từ cấp thấp đến cao phải thực hiện cho tốt.
Luật đã có, quy định của Đảng cũng đã có, cấm chạy chức chạy quyền, ông cung phụng tiền đó để làm gì, có phải chạy chức, chạy quyền hay không, có phải chạy dự án hay không…, tất cả những điều đó mỗi người tự biết hành vi, mục đích của mình để làm sao kiểm soát hành vi của bản thân. Nếu trông chờ tất cả vào các cơ quan thực thi pháp luật thì không làm hết được, tự mình là chính.
Tết cho mọi nhà, mình đầm ấm thì cũng phải nghĩ đến Tết của những người khó khăn; nên làm những việc như thăm hỏi những nơi khó khăn, gia đình có công với cách mạng, đền ơn đáp nghĩa... Những hoạt động này có ý nghĩa hơn việc lợi dụng ngày Tết để hối lộ, xin xỏ cái này, cái kia.
Tôi từng tham gia quản lý, cũng từng là cấp trên của nhiều người, thấy rằng quà lớn nhất, ý nghĩa nhất của cấp dưới với cấp trên đó là hoàn thành nhiệm vụ. Cấp trên giao nhiệm vụ cho mình thì mình hoàn thành nhiệm vụ, làm thật tốt, như thế chính là ủng hộ cấp trên, là món quà tốt nhất cho cấp trên. Bản thân có hoàn thành nhiệm vụ thì cả đơn vị mình mới hoàn thành nhiệm vụ, cấp trên mới hoàn thành nhiệm vụ, và cũng được người cấp trên nữa đánh giá cao.
Còn một cấp trên nữa là nhân dân, tất cả là công bộc của dân, nếu bản thân làm thật tốt, thì cấp trên của mình cũng được tiếng với dân, nhân dân hài lòng thì đó là món quà có ý nghĩa nhất.
Quà mang tính tinh thần, không phải vật chất, Tết đến đừng vì quà không phải là “quà” mà vướng vòng lao lý. Tôi chúc tất cả mọi người năm nay an bình, yên bình. Một nhà an bình, nhiều nhà an bình, cả phố phường an bình, cả đất nước an bình, đó là món quà tốt nhất, lớn nhất mà mọi người cùng góp vào để tất cả cùng được hưởng món quà tinh thần, đấy chính là món quà năm mới.
Hương Quỳnh (ghi)
Tặng quà Tết cấp trên
Khoảng 10 năm nay, từ năm 2002, cứ dịp Tết đến, xuân về là Ban Bí thư lại ra Chỉ thị về tổ chức tết, trong đó có việc cấm tặng quà tết cho cấp trên.