Sáng nay (4/8), đại úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi, chiến sĩ CSGT của Công an Lâm Đồng) đã được đồng đội và người thân tiễn đưa về với đất mẹ Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ hôm qua, hàng trăm người dân ở thôn Phái Nam (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) đã đứng chờ cả giờ đồng hồ dưới mưa để đón người con của quê hương hy sinh khi làm nhiệm vụ.
Lê Ánh Sáng là con thứ 2 trong gia đình có 3 chị em. Học xong cấp 3, anh đi nghĩa vụ, sau đó thi đậu vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Ra trường, Sáng được chuyển về Công an tỉnh Lâm Đồng, công tác tại Phòng CSGT từ năm 2017 tới nay. Gia đình ở Hà Tĩnh, chỉ có mình Sáng công tác ở Lâm Đồng.
Ngày 30/7, nhận được tin một tảng đá lớn từ trên cao rơi xuống chắn ngang giữa đèo Bảo Lộc, anh Sáng cùng đồng đội đã gấp rút tới hiện trường. Tảng đá được di chuyển, xe cộ lưu thông trở lại. Song ít phút sau đó, tại chốt thuộc Trạm CSGT Madagui trên đèo Bảo Lộc xảy ra vụ sạt lở khiến anh Sáng, 2 đồng đội và 1 người dân bị vùi lấp.
Cách đây ít lâu, bà Hoàng Thị Xuyến và chồng là ông Lê Ngọc Vĩnh vui mừng khi con có người thương. Sau lễ ăn hỏi, họ đã chọn 30/7 Âm lịch là ngày vui của đôi trai gái.
Con dâu tương lai gửi về quê cho mẹ tấm vải để may áo dài mặc trong ngày trọng đại.
Theo kế hoạch, gia đình từ quê nhà ở Hà Tĩnh vào Lâm Đồng, nơi anh Sáng công tác để tổ chức lễ cưới.
Áo dài may xong, vé máy bay đã đặt, thiệp hồng cũng đã gửi đi thì gia đình nhận được tin dữ. Ông Lê Ngọc Vĩnh, bố của đại úy Lê Ánh Sáng tức tốc vượt hơn 1.000km từ Hà Tĩnh vào TP Đà Lạt, cùng đồng đội của con tìm kiếm thi thể trong đống đổ nát...
Lòng người mẹ, người cha quặn thắt. "Sáng ơi! Mẹ đã may áo dài để vào lễ cưới của con rồi mà sao con không tỉnh dậy để cưới vợ”, giọng người mẹ lạc đi.
Con gái chưa được nhìn thấy mặt cha
Trong không khí tang thương, người vợ sắp cưới của đại uý Sáng ngồi thẫn thờ bên chiếc quan tài. Cô bật khóc nức nở khi nhìn dòng người thắp hương cho anh.
Đây cũng là nỗi đau của chị Nguyễn Thị Hồng Phượng vợ của đại úy Phạm Phi Long (chiến sĩ đội chữa cháy chuyên nghiệp khu vực 2, Phòng Cảnh sát PCCC quận Bình Tân, TP.HCM). Anh Long đã hy sinh khi cố gắng dập tắt đám cháy ở phường Bình Hưng Hòa B vào ngày 8/9/2017.
Lúc 12h30, đại úy Phạm Phi Long cùng hạ sỹ Bùi Văn Dũng (SN 1997) và hạ sỹ Phan Tấn Quốc (SN 1993) dùng thang đi lên phía cửa sổ lầu 1 của ngôi nhà để tiếp cận khu vực cháy. Chữa cháy vào ban đêm, điện chiếu sáng bị cắt hoàn toàn nên việc bao quát tầm nhìn các cấu kiện xây dựng của ngôi nhà bị hạn chế. Sàn bê tông giả mất khả năng chịu lực đột ngột sập xuống vùi lấp lên 3 cảnh sát đang làm nhiệm vụ, trong đó có đại úy Phạm Phi Long.
Được đồng đội khẩn cấp tháo dỡ tấm bê tông, đưa vào bệnh viện cấp cứu, nhưng anh đã hy sinh. Người đàn ông hiền hậu, chăm sóc cho gia đình ấy ra đi khi chưa kịp nhìn thấy con gái bé bỏng sắp chào đời.
Buổi chiều ấy, các anh không về
Cũng vào thời điểm này năm ngoái, 3 cảnh sát phòng cháy chữa cháy hy sinh khi nỗ lực dập tắt đám cháy quán karaoke 6 tầng trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy.
Đó là quán có thiết kế kín, phía trong có nhiều vật liệt dùng để cách âm dễ bén lửa nên hỏa hoạn càng lúc càng mạnh.
Khi đó, Trung tá Đặng Anh Quân (đội trưởng), trung uý Đỗ Đức Việt và binh nhì Nguyễn Đình Phúc trực tiếp chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, hướng dẫn đưa 8 người ra ngoài an toàn và tiếp tục quay lại tìm kiếm. Khi các chiến sĩ lên tới tầng 4 thì trần nhà sập, đè lên người.
Ngay buổi sáng cùng ngày, chính những chiến sĩ PCCC của Công an quận Cầu Giấy đã cứu sống 2 người trong một đám cháy cũng ở phường Quan Hoa. Nhưng trong đám cháy buổi chiều, khi chiến đấu với giặc lửa, các anh đã không về.
Các anh đã trở về đất mẹ, khép lại một cuộc đời "sống là cho, chết cũng là cho"...