Phân cấp gần hết
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đang có trong tay hai bản dự thảo sửa đổi tới 5 luật thuộc các lĩnh vực quản lý để trình ra Quốc hội ngày mai 29/10.
Một bản dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư công, còn bản kia sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật, bao gồm Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Đấu thầu.
Đây là lần sửa đổi nhiều nhất của hệ thống luật pháp chuyên ngành đầu tư, kinh doanh trong vòng mấy chục năm qua - điều mà ông Dũng hy vọng sẽ giải quyết ngay các vướng mắc, cản trở về thủ tục hành chính, góp phần giải phóng mạnh mẽ các nguồn đầu tư.
Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội cuối tuần trước, ông nói: “Thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nhưng tháo gỡ được thì sẽ trở thành đột phá của đột phá”.
Hai bản dự thảo sửa đổi 5 luật có lẽ những nỗ lực cuối cùng của ông trên vị trí tư lệnh ngành để cải cách thể chế sao cho “điểm nghẽn của điểm nghẽn” phải trở thành “đột phá của đột phá” - khẩu hiệu mà ông đã đưa vào trong nhiều nghị quyết của Chính phủ mấy năm nay.
“Lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phân cấp việc cấp phép khu công nghiệp và dự án đầu tư ra nước ngoài. Thế là coi như hết”, ông nói với tôi cách đây không lâu. Tuy nhiên, việc bỏ cấp phép đầu tư ra nước ngoài chưa nhận được đồng thuận - nó không xuất hiện trong bản dự thảo trình ra Quốc hội!.
“Lần sửa đổi này để nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền”, ông giải thích.
Như vậy, với việc phân cấp cấp phép đầu tiên cho luồng vốn FDI cho các địa phương cách đây 20 năm... đến nay ngành kế hoạch và đầu tư đã cơ bản hoàn thành việc phân cấp, phân quyền.
Chính cách làm này đã giúp các cán bộ, công chức của ngành tránh xa được rủi ro pháp lý mà các đồng nghiệp của họ ở các ngành khác - còn nặng về cấp phép chứ chưa phân cấp, phân quyền - phải đối mặt. Nhưng ở góc độ khác, phân cấp nghĩa là phân quyền, giảm quyền và cũng mang lại nhiều tâm tư…
Luật vướng là do mình
Nói gì thì nói, các luật về đầu tư, kinh doanh đang tạo ra nhiều thủ tục, quy trình rắc rối.
Tại phiên họp ở Quốc hội cuối tuần rồi, Tổng Bí thư Tô Lâm - đặt vấn đề, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chưa được 50%, chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm thì có tiêu được hết không? Chương trình mục tiêu quốc gia quyết rồi, giờ lại nói vướng cái nọ, cái kia.
Tổng Bí thư đặt câu hỏi: “Đó là do ai?”, rồi tự trả lời: “Là do mình thôi”.
Ông nói: “Sao thấy vướng mà cứ để làm khó mình đến thế. Khó đến đâu gỡ đến đó, nhìn từng cái mà gỡ. Quy định thế nào mà đến Nhà nước còn không làm được thì doanh nghiệp làm sao làm được. Hằng trăm, hàng nghìn dự án ở địa phương được cấp cho doanh nghiệp nhưng triển khai lại vướng, lại đứng chờ nhau. Tất cả do mình cả”.
Ông nhấn mạnh: “Phải phối hợp, không đổ cho nhau hay chờ đợi nhau được. Phải tìm cách trả lời cho dân”.
Nhận định của Tổng Bí thư một lần nữa cho thấy, vấn đề đang nằm ở thể chế chứ không chỉ ở khâu thực thi.
Để giải quyết các dự án tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký đã vừa Quyết định số 1250/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo, sau các lần lần kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thành viên của Ban chỉ đạo bao gồm Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, các Bộ trưởng, Thứ trưởng bên hành pháp, có cả lãnh đạo bên tư pháp… thể hiện quyết tâm rất cao độ trong thời gian ngắn ngủi còn lại.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, 160 dự án tồn đọng với tổng vốn đầu tư 59.000 tỷ đồng. Nhưng theo đánh giá của ông Dũng, chắc chắn số dự án còn nhiều hơn rất nhiều.
Ông nói ở Quốc hội: Ban chỉ đạo sẽ rà soát các dự án ách tắc, đang đắp chiếu cả chục năm nay, trên cơ sở đó sẽ phân loại xem đâu là lỗi của nhà đầu tư, đâu là lỗi của nhà nước để tìm ra cách xử lý. Đảm bảo nguyên tắc không hợp pháp hóa cái sai mà phân rõ trách nhiệm và tìm ra cách giải quyết từng nhóm vấn đề.
“Chính phủ đang quyết tâm rất lớn song cũng xác định đây là vấn đề rất khó. Nguyên nhân là nhiều dự án đắp chiếu quá lâu, nhiều trường hợp sai phạm phức tạp kéo dài, phạm vi rộng”, ông nói thêm.
Giải quyết tồn đọng còn khó, liệu có thể khơi thông?
Thị trường bất động sản vẫn đóng băng với 70% khó khăn liên quan đến pháp lý liệu có được tháo gỡ kịp thời trước khi nhiều doanh nghiệp đã hụt hơi? Trên thực tế, đã có nhiều tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn cho một số công ty bất động sản, nhưng dường như chưa đạt kết quả rõ ràng.
Vẫn còn nguyên đó 8 dự án BOT giao thông đã bị dừng hoạt động do “đặt sai” vị trí trạm thu phí mà Chính phủ đang xem xét phải dành ra 10.300 tỷ đồng để mua lại.
Và còn rất nhiều dự án không thể thống kê hết đang treo lại, nằm phơi nắng, phơi sương, nhiều dự án để cỏ mọc vì đơn giản nó là để “xí phần”.
Tương lai chỉ được “khơi thông” khi tồn đọng của hiện tại được “dọn dẹp”, xử lý vì đầu tư là tiền bạc, là lòng tin, là các cam kết hợp đồng không thể lơ đi.
Mà tới đây, đất nước cần tới hàng trăm tỷ đô la để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Làm sao để thu hút đầu tư tư nhân tham gia các dự án rất lớn của đất nước như đường sắt cao tốc Bắc - Nam (hơn 67 tỷ đô la); hàng chục hệ thống đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM (hơn 92 tỷ đô la) và các dự án điện (hơn 15 tỷ đô la mỗi năm)?
Ở góc độ này, dự thảo Luật PPP sẽ tháo bung tất cả các lĩnh vực đầu tư cho các dự án PPP, trừ vài lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Đây là bước tiến, nếu xem ở góc độ Luật PPP hiện nay mới chỉ cho phép đầu tư 5 lĩnh vực, và còn lâu mới có thể nói là luật đã thành công sau 3 năm thực hiện. Mới chỉ có 31 dự án tầm “trọng điểm quốc gia” được triển khai, làm sao các dự án quy mô nhỏ, thiết thực với cộng đồng được triển khai tới đây?
Liệu Luật PPP “tháo bung rồi” có thu hút được các nguồn lực cho phát triển, hay vẫn chỉ trông chờ vào đầu tư công, như mấy năm qua?
Một Luật PPP không trả lời được. Trả lời câu hỏi này phải là nhiều cấp, nhiều ngành, bắt đầu từ đổi mới tư duy làm luật.