Sau khi vò xong mớ áo quần, chị Tím lấy sợi dây cột ngang eo, rồi mới nhào xuống nước. Đơn giản, là để cái thau không bị trôi!
Tôi ôm thân cây chuối, hai chân đập nước đùng đùng, vừa vuốt nước trên mặt vừa cười sặc sụa. Chị Tím tạt nước liền liền vào tôi, cho tôi quen nước quen cái. Chị nói như đinh đóng cột:
- Lạ nước lạ cái, gì cũng sợ! Em phải nhào vô thì mới dạn được!
Và chị cho tôi “nhào vô” bằng cú tắm sông đầu tiên như thế!
Tôi thương quê nội từ cái bến lạ lùng đó!
Lạ nhất, có lẽ là những ngày cái bến vắng teo. Hầu như không ai tắm giặt bơi lội. Vì cá chốt đang đổ về, nổi trắng mặt sông. Cá đi đàn đàn. Vậy mà không một người nào vớt. Chị Tím giải thích: Đợt này, ghe tàu vượt biên chìm, xác người trôi từ biển về cửa. Cá chốt từ cửa đổ về đây, kiểu gì cũng rỉa thịt người, sao dám ăn. Đầu trên xóm dưới đồn rần rần.
- Thiệt hong chị?
- Thiệt! Dóc làm con em luôn á. Em hỏi nội coi.
Tôi le te chạy hỏi nội. Nội tạt ngang:
- Dóc tổ. Nghe gì con Tím với mấy mẹ nhiều chuyện con ơi! Cá tràn đồng bán ai mua, giá thì rẻ sình. Ăn quá ngán, ai đâu ăn nữa.
Lời nội thiệt có lý, nhưng lời chị Tím lại khiến tôi tò mò hơn. Mát trời, tôi rủ chị xuống bến chơi. Ông thợ nào bắc cầu thật là khéo, lấy hai cây dừa ghép lại, cứ như nó ngã xoài ra, gốc cây thì trong bờ, ngọn thì dài tới gần giữa sông. Cứ đi vài bước chân, họ lại đóng một thanh nẹp ngang. Dù cho nước sông dâng cao ngập cây cầu, mình cứ lần từ gốc mà bước thẳng tới, không sợ té.
Đúng là bến chiều nay không người. Dòng sông im như ru. Chỉ có tiếng gió, quét qua mấy tàu dừa, mấy khóm bình bát lào xào, lạc xạc. Cá chốt vẫn kéo nhau nổi hết mặt sông, loại cá da trơn có bốn sợi râu, ngạnh đâm vô tay, đau thấu tim. Nó cứ lấp lóa như ai rải nắng lên mặt nước vậy. Chị Tím mần mần vạt áo, mắt nhìn hun hút về phía ngã ba, nơi quẹo vô kinh Bà Lài.
Chị nhớ anh Rô hả? Thằng này, nít nôi, biết gì mà nhớ nhung! Chứ mắc gì chị nhìn hướng đó, sao không nhìn cái Cầu Quay sau lưng nè. Ha… ha… ha…Tôi biết tỏng tòng tong. Mấy ngày rồi đâu có nhóm chợ, nên anh Rô cũng không chở khoai lang ra bán. Ảnh lái chiếc tam bản gắn máy yan-ma, nổ oành oành, rất bảnh. Mỗi lần ghe ảnh tới chợ là sóng dạt dào, mấy chiếc xuồng nhỏ chao qua chao lại. Các dì thế nào cũng la lên: Gô tới, Gô tới. Dù ảnh tắt máy ghe từ xa…
Sáng nào tôi chẳng theo chị Tím đi chợ. Vui tấp nập. Nhà nào trồng rau bán rau, có trái cây thì bán trái cây, ai chài cá, bắt cua thì bán cua, bán cá. Riêng ghe của bà Bảy Trầu là mê nhất. Con nít đứa nào cũng mê. Bà bán bánh bò thốt nốt, bánh da lợn tím, da lợn xanh; còn xôi gấc, xôi lá cẩm và chè bà ba nước cốt dừa thì bà bán xen kẽ, bữa món này, bữa món nọ. Riêng món chè, tôi thắc mắc sao không phải là chè bà bảy nước cốt dừa? Chị Tím lườm tôi: chè bà ba nước cốt dừa là tên riêng ông thần ơi, chứ bộ bà Tư bán thì thành chè bà Tư nước cốt dừa hả?
Tôi ăn giáp vòng những món của bà Bảy Trầu mà không hề ngán. Món khoai lang viên ngọc của nhà anh Rô, chị Tím luộc tới nồi thứ ba, là tôi đã ngán rồi! Mà ngộ, chị Tím ăn được hoài. Khoai lang chất đống trong góc bếp, ăn chưa hết chị lại mua nữa. Có bữa nội rầy:
Con Tím nè, mày cho cả nhà ăn khoai tràn bản họng. Nghỉ một bữa coi được hong! Chị Tím cười lỏn lẻn, vòng tay ôm bụng nội. Miệng nội la vậy chứ, tay vuốt vuốt tóc, hun lên trán chị Tím: tổ cha mày! Lấy chồng lẹ dùm tui đi, đặng tui còn khỏe, tui ẵm cháu cho!
Không lâu sau, chị Tím lấy chồng thiệt. Chú rể còn ai khác ngoài anh Rô được chứ. Bữa đón dâu, sáng rực rỡ cả một khúc sông. Nhà trai qua mấy chục chiếc ghe máy đuôi tôm. Mười hai quả đỏ rực, nào trầu cau, rượu, bánh in, vàng vòng, vải vóc… Cổng cưới làm bằng tàu dừa, đủng đỉnh. Có luôn cổng chào từ bến bước lên, băng qua con lộ là ngay chân cửa nhà nội. Cả xóm phụ mổ heo, làm gà, nấu tiệc nhóm họ nhà gái từ mấy ngày trước. Ngày ba lượt, sáng trưa chiều, bà con lối xóm, khách khứa cứ qua, vô ngồi đủ bàn là lên mâm. Đám con nít chúng tôi thì chầu chực, coi mấy chị, mấy cô diện đồ, má hường, môi đỏ, ca cải lương.
Đẹp nhất vẫn là chị Tím của tôi. Chị mặc áo dài đỏ, đầu đội mấn, cổ đeo kiềng vàng, tay đeo vòng xi-men bảy chiếc. Bà con lối xóm đều trầm trồ khen: đám cưới con Tím lớn nhứt xứ mình! Nội diện áo dài nhung, quần sa tanh trắng tinh, quàng chiếc khăn thêu trên vai, miệng xỉa miếng thuốc, nhai trầu bỏm bẻm. Nhìn nội có uy lắm nha! Ông sui bà sui đi hai bên đỡ nội ra bến. Chú rể tự mình lái chiếc tam bản thường ngày chở khoai lang, đưa cô dâu về dinh. Đoàn rước dâu nối đuôi nhau, áo xanh áo đỏ, dù che… thiệt là đẹp! Hai bên bờ bà con túa ra vẫy tay, chỉ trỏ. Có đám con nít nhảy tưng tưng hát ầm ĩ: cô dâu chú rể làm bể bình bông…
Đoàn rước đông quá xá, ghe nối đuôi ghe, dài từ bến tới gần ngã ba rẽ về kinh Bà Lài. Qua miệt này, chỉ cần hỏi nhà anh em Rô - Trê - Lóc - Sặc, ai cũng biết! Bốn anh em bảnh trai, siêng năng. Cha mẹ có của ăn của để, cỡ điền chủ hồi xưa, đất ruộng thênh thang. Rồi chị Tím sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc!
***
Tía má lên Sài Gòn làm ăn, đùm túm anh em tôi đi cùng. Chỉ có mùa hè, tía mới gửi tôi theo xe đò về nội. Lần đó, chú Ba biên thư kêu anh Hai, là tía tôi, về gấp, vì chị Tím có chuyện. Đứa con đầu lòng chưa đầy năm, anh Rô đâm hư rượu chè, còn nghe người ta rù quến chơi đá gà. Thua xiểng liểng. Nợ nần. Tía má ảnh đứng ra trả nợ cho ảnh mấy lần rồi, nhưng ảnh vẫn chứng nào tật đó.
Hôm hai vợ chồng đang chạy ghe đi công chuyện, ảnh khai với chị Tím - ảnh ôm một cục nợ mới, đã đem hết vòng vàng của hai vợ chồng cấn nợ rồi. Chị Tím ức quá, giận tái người, liền phóng xuống sông, muốn chết. Lúc đó, ghe chạy tới ngay ngã ba sông. Quờ tay trong dòng nước, chị túm phải đám lục bình, lại nhớ tới đứa con ở nhà, mình chết, con mình ai nuôi! Vậy rồi chị cắm đầu lội, cứ nhìn về bến sông nhà nội mà lội tới. Anh Rô ở trên ghe la bài hải.
Ông mà phóng xuống đây, tui cắn lưỡi chết liền! Tui thôi ông. Tui về nhà tía má tui! Chị cứ bậm môi mà sải…
Tía tôi về thưa chuyện gia đình hai bên. Cuối cùng, chị Tím đem con về nội ở, đến khi nào anh Rô tu tâm dưỡng tánh, chỉ sẽ nối lại.
Bến sông vẫn tấp nập, chỉ có chị của tôi là lặng thinh. Ngày ngày cắp chiếc rổ tre xuống bến, đâu còn tâm trí mua bán gì, kỳ thực là chị ngóng chiếc ghe tam bản của anh Rô. Chỉ có anh Sặc, bữa thì anh Trê hay anh Lóc, còn anh Rô đã dong ghe đi bán ở bến khác rồi! Giận thì giận, thương vẫn thương. Chị Tím ngày càng héo hắt. Người đau nhất có lẽ là nội. Anh Rô chưa một lần tới thăm con.
Mùa hè năm đó, buồn! Con sông trước nhà nội mênh mang. Những buổi chiều chị Tím dắt bé Mận ra bến, cho bé tập lội. Tôi cũng tháp tùng. Chị thường khóc thút thít, nhìn về kinh Bà Lài. Từng vóc nước sông đục ngừ, cợn phù sa, đem bồi ở nơi nào mà lòng chị tôi lở niềm vui - tắt tiếng cười. Tôi cũng không còn háo hức vào những sáng sớm với món bánh dân gian của bà Bảy Trầu, hay ra coi ghe xuồng buôn bán. Sông đem anh Rô đến cho chị. Rồi sông cũng cuốn niềm hạnh phúc của chị trôi về đâu…
***
Tôi hay thỉnh giảng các trường ở khu vực miền Tây, nên có dịp về quê nhiều hơn. Mọi thứ giờ đã khác. Vài năm sau chuyện của chị Tím, chú Ba lâm bịnh, đi theo ông bà. Nội đau buồn cũng ra đi. Tôi chỉ nhớ những hình ảnh sau cùng của nội là cái ngày tháng Chạp, trời thẫm tối rất nhanh. Nội lụm cụm thắp mấy cây đèn măng-xông, rồi thắp nhang bàn thiên, thắp nhang cửu huyền thất tổ. Nội lầm rầm khấn rất lâu. Thấy tôi đứng nhìn miết, nội xoa đầu giải thích:
Nội xin cho chị Tím bây được an ổn, mạnh mẽ nuôi con khôn lớn, đừng làm gì dại dột! Lời khấn của nội đã linh nghiệm rồi. Nghe đâu bị tía má từ mặt, anh Rô cuốn gói đi biệt xứ. Ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh, anh Rô kiếm miếng cơm manh áo giữa chợ đời, như người tứ cố vô thân. Tới lúc đó ảnh mới biết quý biết thương gia đình, vợ con, chí thú làm ăn.
Bé Mận sắp vào đại học. Anh chị có thêm thằng Lý, bé Lựu.
Lá rụng rồi cũng dìa cội hà cậu Út! Trước mặt tôi là người đàn bà vừa quá tứ tuần, da rám nắng, vẫn phảng phất đường nét xinh đẹp của một thời thanh xuân. Chị Tím giờ cai quản nhà từ đường và một xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ. Anh Rô cất cái chòi sát mé sông làm trạm thu mua lục bình, vì nhà có trồng mấy đầm mà vẫn không đủ cung cấp cho xưởng làm nguyên liệu.
Tối, tôi ra chòi chơi với anh Rô. Anh trải đệm sẵn, hai anh em lai rai xị rượu gạo - bà nội bé Mận ủ bằng men lá. Chị Tím đem xuống trái xoài tượng, mấy con khô cá chốt cho hai anh em làm mồi. Chị hỏi tôi còn nhớ cảnh cá chốt đổ về đầy sông hay không? Mấy năm gần đây người ta xiệc điện dữ lắm, cá đi hết trơn, kiếm con lòng tong cũng khó, nói gì cá về thành bầy.
Mỗi năm mùa nước nổi, anh Rô cậu kéo lưới kiếm mớ cá đồng, chị xẻ thịt đem phơi làm khô ăn từ từ. Mình quen ăn con tôm con cá tự nhiên, con cá nuôi thịt bở rẹt, ăn biết liền hà. Ấy cậu Út dìa xứ mình kiếm vợ, lập nghiệp đi. Nói chị Tím coi mối nào được, cáp cho cậu - anh Rô nhấp chung rượu cười khà khà. Mới vài ngụm mà đầu tôi lâng lâng, tự nhiên nước mắt chực trào ra, không hiểu vì rượu hay vì cảm xúc. Anh Rô trông già nhiều so với tuổi, con người đã quá phong sương…
Dọc mé sông, đêm xuống đèn điện sáng trưng. Đèn măng-xông, đèn dầu bóng hột vịt của nội, chị Tím bao cẩn thận trong bọc ni lông, cất trên đầu tủ. Ký ức tuổi thơ trong tôi dạt dào như con nước phù sa đang cuộn trôi theo cơn triều lên. Con đường lớn liên huyện, mọi người thường gọi là “con lộ cái” đã được tráng nhựa, xe bốn bánh chạy bon bon. Cây cầu đúc nối hai bờ sông, những cây cầu dân sinh nối liền kinh rạch… xe gắn máy chạy ào là tới nơi cần tới. Cuộc sống bao đổi thay, chỉ xin lòng người đừng thay đổi. Gặp gỡ là nhân duyên. Vừa duyên vừa nợ nên anh Rô chị Tím châu về hợp phố. Nội trên trời cao chắc an lòng, mãn nguyện.
Sông có đời sông. Người có đời người. Cuộc đời tôi cũng lớn lên từ bến, cũng vui buồn cùng chị Tím theo con nước lớn ròng. Trôi đi đâu, thì cũng quay về bến cũ.
Quá nửa đêm, trong cơn say hình như tôi đã khóc...
Gia Bảo
(Tác giả lấy cảm hứng từ dòng sông Trà Mơn, xã Tân Quới, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long)