Trong sắc hoàng hôn đương buông sậm đỏ trên sông Tiền, câu của nhà thơ Bế Kiến Quốc “Sinh ra từ đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời sinh ra từ một dòng sông” chợt thoảng về trí nhớ.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Chuyện trên sông Tiền của Nhà báo Xuân Ba.
Trên boong con tàu La Marguerite rập rình hải trình trên dòng Tiền Giang, gợi thêm lời mời của Tổng biên tập báo VietNamNet Nguyễn Văn Bá, về sự kiện những người yêu sông có dịp hội tụ. Đó là những nhà văn, nhà báo, nhà quản lý, những chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế văn hóa du lịch và môi trường. Những cuộc gặp gỡ, hội thảo khoa học, những cuộc tham quan… đã phát lộ thêm nhiều trữ năng tiềm tàng của những “kẻ” yêu sông Việt. Ấy là những chuyện, những kết quả sau này của hải trình 2 ngày đêm.
Còn bây giờ, trong sắc hoàng hôn đương buông sậm đỏ trên sông Tiền, tình cờ được ngồi giữa tốp người yêu sông Việt ấy. Câu của nhà thơ Bế Kiến Quốc "Sinh ra từ đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời sinh ra từ một dòng sông" chợt thoảng về trí nhớ.
Thời thương khó
Gần hơn, bên tôi là Lê Kiên Thành.
Con trai cố TBT Lê Duẩn, T.S Toán Lý Lê Kiên Thành từng có 11 năm phục vụ trong Binh chủng Phòng Không - Không Quân và là một doanh nhân khá thành đạt. Hơn thế, lâu nay mặt bằng đọc nước Nam khá sôi động với cuốn "Những khoảnh khắc Sống" của Lê Kiên Thành. Rồi cơ man nào là những hội thảo, giải mã về hiện tượng một người viết, một nhà văn xuất hiện trong Lê Kiên Thành ở độ tuổi thất tuần.
Gió sông chiều mùa tháng tư xứ Hàm Luông quê hương Đồng khởi Bến Tre đương hào phóng rời rượi. Con trai lãnh tụ Lê Duẩn đang ngồi bên con trai nhà văn Hữu Mai… Tháng Tư. Thoáng có cảm giác, hình như lịch sử chả ngẫu nhiên đâu mà cũng rất tình cờ? Và như đang cận kề lẩn quất đâu đây?
Câu chuyện lúc đứt lúc nối với chất giọng rủ rỉ của Lê Kiên Thành đang hồi cố một sự kiện về người cha thời điểm cuối 1955 đầu năm 1956. Yếu nhân của cách mạng miền Nam, Lê Duẩn đương phải trốn chui trốn nhủi bởi những trận ruồng bố ác liệt. Lê Duẩn khi đó trông như một ông già, mắt sáng, râu dài, vóc người tầm thước. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre giới thiệu với Sáu Lùn, một cán bộ trẻ của Tỉnh ủy "Đây là bác Chín, cán bộ của Đảng. Tỉnh ủy chuyển đồng chí qua bảo vệ và làm thơ ký cho bác Chín…". Năm ấy Sáu Lùn 23 tuổi.
Bác Chín vỗ vai rồi hỏi chuyện thân mật. Chỗ làm việc của hai bác cháu lúc đó là trên chiếc giường đôi buông mùng để sát tủ thờ; mở cánh tủ thờ, bên dưới là hầm bí mật.
Bác Chín làm việc cật lực, gần như không có giây phút rảnh rang. Có nhiều ngày liền, Sáu Lùn quỳ mọp trên giường để viết. Bác Chín nghĩ nhiều, cân nhắc từng câu từng chữ rồi mới đọc cho anh viết; lắm lúc bác nói một mạch làm anh viết quýu tay không kịp. Có một câu bác nhấn mạnh mà Sáu Lùn nhớ mãi: "Vị trí của cách mạng miền Nam là vô cùng quan trọng đối với Đông Dương". Viết xong hàng mấy chục trang, bác bảo đọc lại cho nghe vài ba lần rồi bác bảo đốt đi.
Thường ngày bác Chín luôn theo dõi các báo của Sài Gòn và báo của Pháp như tờ Humanité, France Soir. Có lần bác Chín kêu Sáu Lùn viết thư khẩn, tuyệt mật gửi về Xứ ủy ở Sài Gòn. Thư viết xong, nhưng bác Chín kêu hủy, bảo Sáu Lùn đi Sài Gòn, học thuộc lòng để truyền đạt trực tiếp.…
Tôi ngó lâu hơn những lọn con sóng Hàm Luông như xếp lớp đều đặn lan ra từ những khóm dừa nước ven bờ. Khúc sông Hàm Luông, con du thuyền đương yên đậu bây giờ, thuở ấy khúc nào đã xảy ra một tình huống cực kỳ hiểm nguy?
Lần ấy, cơ sở bị lộ. Bác Chín phải di chuyển gấp. Xuồng bất ngờ đụng tàu địch. Sáu Lùn cùng vợ, cô Sết, chồng chèo, vợ bơi không kịp thở, cứ sợ địch đuổi theo. Vừa ra tới sông Hàm Luông thì một chiếc tàu nhà binh cặp mé bên này từ vàm Bến Tre chạy xuống. Sông rộng, từ xa nhìn thông thống.
- Tàu nó thấy ghe mình rồi! - Cô Sết kêu lên thảng thốt.
Nghe vợ kêu, Sáu Lùn miệng động viên "bình tĩnh" mà thót ruột. Bây giờ quay trở vô cũng không kịp, không chừng lại đụng lính. Mình lộ vẻ sợ, chắc chắn tàu địch thấy sẽ đuổi theo! Nghĩ đoạn, Sáu Lùn cả quyết hô vợ:
Chiếc ghe điều khiển bằng chèo một cây bất kham. Lênh đênh giữa dòng, sóng lừng, gió mạnh đánh bạt mũi ghe quay cuồng. Sáu Lùn nghĩ, chạy cũng không thoát được, bèn nói với bác Chín:
- Thưa bác Chín. Chỉ còn nước hợp pháp với nó thôi! Em Sết! Lấy khăn choàng đầu cho Bác Chín rồi banh miệng hứng ra cho bác làm bộ ngồi vá. Còn em nhóm lửa nấu cơm.
Cô Sết thực hiện nhanh ý chồng. Bác Chín y hệt một ngư dân ngồi vá lưới.
Vậy mà lần nguy ấy, thầy trò may mắn thoát hiểm.
Từ thượng nguồn Lô giang
Bên Lê Kiên Thành là Bình Ca (tên khai sinh là Trần Hữu Bình). Một quan chức Bình Ca từng là Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Bình, Phó Giám đốc Sở du lịch Hà Nội. Và cây viết Bình Ca, tác giả của hai cuốn cộm cán "Quân Khu Nam Đồng" và "Đi trốn" (mới có mấy tháng mà tái bản hàng chục lần!)
Sực nhớ ra đang được hội tụ, đương được cận kề với những người yêu sông! Như nào ấy nhỉ? Cái tên Bình Ca là cả một huyền thoại về cái bến Bình Ca của sông Lô thời 9 năm kháng chiến gian khó. Thời điểm quân Pháp tấn công lên Tuyên Quang, có một con đò dọc chở một gia đình tản cư xuôi sông Lô về Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Lúc ngang qua bến Bình Ca, trên bờ có tiếng gọi đò. Ông cụ nằm trong khoang nói vọng ra: “Nếu là bộ đội thì cho đi nhờ”.
Anh bộ đội xin quá giang ấy, sau này trở thành một nhà văn quân đội nổi tiếng. Và cô thôn nữ xinh đẹp quê Ninh Bình, tình cờ gặp trên chuyến đò trong đêm trăng trên dòng Lô Giang đó đã nên duyên chồng vợ. Con trai đầu lòng của họ được đặt cái tên Bình Ca.
Mọi người hẳn nhớ những "Cao điểm cuối cùng", "Từ nhân dân mà ra", "Những năm tháng không thể nào quên", "Đường tới Điện Biên Phủ"… từ Hữu Mai ghi đến Hữu Mai thể hiện. Những cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp như là một nửa cuộc đời văn chương của nhà văn Hữu Mai. Nhưng đó là về sau cái duyên nợ văn chương giữa Hữu Mai với Tướng Giáp đã giăng dài suốt nửa thế kỷ.
Chắc ít người biết, mùa hè năm 1957, hai ông Trần Quang Huy (lúc ấy là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó ban thường trực Ban Tuyên huấn Trung ương và Hoàng Tùng, khi ấy là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Ban Ban Tuyên huấn Trung ương) được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao trọng trách chấp bút bản Dự thảo Nghị quyết Trung ương 15 (khóa Hai) dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Địa điểm chắp bút ở Đồ Sơn. Thời điểm đó có một người trẻ tuổi, dong dỏng mắt sáng đi theo tướng Giáp. Đó là nhà văn Hữu Mai.
Tôi đương gạn nhà văn Bình Ca về sự kiện có ông thân can dự. Nhất là chuyện bếp núc về sự kiện lịch sử này. Nhưng chưa được. Khi đó Bình Ca năm sau mới sinh (1958). Bình Ca chưa kịp nhớ, nhưng lịch sử nhớ hộ.
Trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp và có nhiều điều bất lợi cho cách mạng miền Nam, bản Dự thảo Nghị quyết 15 đã được hoàn thành và ra đời. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên và may mắn, theo hồi ức của cụ Hoàng Tùng, tại cơ quan Xứ ủy Nam Bộ (số 290 Huỳnh Khương Ninh, gần chợ Đa Kao, Sài Gòn), từ khoảng cuối mùa khô 1955 đến tháng 8/1956, đồng chí Lê Duẩn đã chủ động viết và hoàn thành bản Đề cương cách mạng miền Nam.
Khi đồng chí Lê Duẩn ra Bắc, Bác Hồ đã chỉ thị chuyển chú Ba (Lê Duẩn) xem bản dự thảo cuối cùng Nghị quyết 15 (sau khi được chuyển lên xin ý kiến Bác Hồ, Bác xem và cơ bản tán thành).
Trong Đề cương của mình, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền Nam.
Câu hỏi của văn sĩ kiêm thi sĩ Văn Công Hùng hình như có lý bởi không khí kỷ niệm 70 năm trận Điện Biên đang chộn rộn, rằng “những bản thảo của nhà văn Hữu Mai hiện đương ở đâu?” Nhà văn Bình Ca rình rang sinh động kể lại trận mưa khủng khiếp ở Hà Nội đầu những năm 1980. Khu tập thể quân đội Nam Đồng nước ngập mênh mang. Trong nhà Hữu Mai dép guốc nổi lềnh bềnh.
Anh em nhà Bình Ca lấy mấy thanh gỗ gác lên cao và đưa những gì quý giá nhất lên đó. Mà thứ quý nhất trong nhà là tập bản thảo "Chiến đấu trong vòng vây".
Và nó nằm yên ở đó 20 năm. Cho tới khi tướng Giáp nói với Hữu Mai “bây giờ có thể in được rồi”. Từ lâu, cả nhà đã quên bẵng tập bản thảo, đến khi tìm thấy, tất cả đã bị mối xông.
Những năm trước Đổi Mới, giấy cũng là món đặc sản hiếm, nên bọn mối đã nghiền cuộc Chiến đấu... của Đại tướng và Hữu Mai thành cám bụi.
Và tất nhiên, Hữu Mai phải ngồi viết lại từ đầu!
Chuyện về Mẹ
Một bạn viết đang “phỏng vấn” nhà văn "trẻ" Lê Kiên Thành về sự kiện Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn lên tàu Kilinski ở cửa sông Ông Đốc, thuộc khu tập kết ở báo đảo Cà Mau nhưng nửa đêm bí mật xuống tàu ở lại với cách mạng miền Nam. Và “nèo’’ thêm nếu Lê Kiên Thành có dịp trở lại cửa sông Ông Đốc thì cho bạn ấy đi theo để chứng kiến, để hồi tưởng lại thời điểm Lê Kiên Thành có mặt ở cửa sông ấy nhưng đương nằm trong bụng mẹ!
Chao ôi! Lại là những dòng sông!
Trên boong tàu xuôi dòng sông Tiền và dòng Hàm Luông, cuộc ngồi giữa Lê Kiên Thành với các bạn viết như bồi hồi sinh sắc hơn về một quá vãng bi, hùng về người mẹ của mình.
Cũng nói thêm, năm xa ấy, người viết bài này đã có dịp may, được gặp, được hầu chuyện bà quả phụ Lê Duẩn, thân mẫu nhà văn Lê Kiên Thành.
Bụng mang dạ chửa ba mẹ con (lúc này Lê Kiên Thành đang nằm trong bụng mẹ) đặt chân lên đất Sầm Sơn rồi Hà Nội. Mấy mẹ con được các đồng chí Phạm Văn Đồng, Trường Chinh đến thăm. Rồi được giới thiệu đến Bệnh viện Việt Xô để dưỡng thai và học phương pháp gì đó như đẻ không đau. Nhưng chưa học được ngày nào thì đã sinh bé Thành. Đẻ non hơn một tháng hậu quả của những căng thẳng lúc đi và thời gian lênh đênh trên biển. Chỉ nhỉnh hơn cái chai. Hai tai ép sát… Bé Vũ Anh khi nhìn thấy em thảng thốt kêu “Má ơi, má sanh em sao nó giống con mèo quá vậy?”
Sau khi sanh, bà được phân công về công tác ở báo Phụ Nữ Việt Nam. Ba mẹ con đều trông vào đồng lương 36 đồng. Cả nhà tá túc trong một cái gara ô tô trên lợp tôn cùng với hai gia đình cán bộ nữa. Cực nhất về mùa nực. Cứ hầm hập cả ngày lẫn đêm. Một thời gian sau đành để con nhỏ cho người quen trông hộ để tham gia đợt công tác sửa sai suốt 4 tháng ở Vĩnh Phú.
Thời gian ở báo Phụ nữ Việt Nam, bà được phân công phụ trách mục: Miền Nam. Những ngày da diết thương nhớ. Những nỗi niềm ngày Bắc đêm Nam. Chút hạnh phúc nhỏ nhoi là mỗi buổi chiều hè bồng con ra hồ Hale hóng chút gió. Tụ tập quanh hồ có nhiều đồng bào cán bộ miền Nam tập kết thường ra hóng gió. Khuây khỏa chỉ bằng cách lao vào công việc. Những tất tả vất vả trong việc chăm sóc con cái bà phải tính toán thật chi li sít sao thời gian lẫn tài chánh. Tất tả trăm thứ nhưng mỗi lúc rảnh, bà lại rụng rời giật thột về người chồng yêu quý. Một bản tin nước ngoài làm bà nhiều đêm day dứt. Ông Lê Đức Thọ, Phó Bí thư TƯ Cục miền Nam ra Bắc làm Trưởng Ban TCTƯ. Ông Ung Văn Khiêm lẽ ra phân công ở lại miền Nam nay là Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
Như vậy số cán bộ cao cấp tập kết ra Bắc không có Lê Duẩn. Lê Duẩn đã ở lại miền Nam…
Giặc đã biết anh ở lại… Giặc mò tìm… Anh đã phải đối phó ra sao? Lòng người vợ miền Nam rối bời!
Một lần đi công tác tận Giới tuyến, mắt bà rưng rưng ngó sang bờ Nam. Thấy cảnh hai bên đổi gác, cảnh các mẹ các chị bờ Nam xuống sông Bến Hải vo gạo, rửa rau… Nỗi niềm thương nhớ, day dứt lẫn căm hận ấy về Tòa soạn, bà trút hết trong một bài viết có tựa "Hai bờ Bến Hải" được dư luận đánh giá cao. Báo nước ngoài đã đăng lại bài này.
Sông Tiền! Bây giờ không xa chỗ chúng tôi đương tụ tập trên boong của du thuyền La Marguerite. Xuôi chút nữa là cầu Cần Thơ.
Năm 1964, địch đã đánh hơi được người vợ miền Nam của TBT Lê Duẩn đã bí mật trở lại Khu 9 trên một con tàu Không số. Khu 9, một địa bàn ác liệt mà bà đang bám trụ. Ảnh bà Thụy Nga, chụp trong các thời kỳ khác nhau được phóng to lồng khung cỡ 1,5x12 mét giăng khắp các bến phà (bac) Cần Thơ, Mỹ Thuận… Mỗi bức hình bự tổ chảng như thế kèm hàng chữ. “Nguyễn Thụy Nga. Tên mới Nguyễn Thị Vân, vợ lãnh tụ số 1 Cộng sản Lê Duẩn về nằm vùng. Ai bắt được hoặc chỉ chỗ sẽ được thưởng…”
Lần đó xuống phà (bac) Cần Thơ. Bà rụng rời đổ đốt khi nhác thấy đứng cách không xa mình bao nhiêu là thằng Sáu Khẩn. Thằng này cực kỳ nguy hiểm vì nó quá rành bà từ hồi còn kháng chiến chống Pháp. Sau này Sáu Khẩn lại cùng hoạt động miền Tây với bà. Sáu Khẩn từng là Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban an ninh tỉnh Cần Thơ. Sáu Khẩn chiêu hồi thời gian Mậu Thân.
Sáu Khẩn mang kính đen ngồi trên xe, mắt láo liên. Nước đổ nên chiếc phà chạy chậm rì… Bà đứng quay mặt ra sông kéo nón lá che bớt đầu và… mồ hôi sống lưng vã ra như tắm! Mỗi phút trôi qua như cả năm! May mà Sáu Khẩn không phát hiện ra bà!
***
Tôi thoáng nhớ trong “Vĩ thanh” cuốn Đi trốn tác giả Bình Ca bộc bạch như này.
"…Theo tôi, cuộc đời mỗi người như một dòng sông, luôn chảy về phía trước. Trong cuốn sách này, tôi muốn giới hạn câu chuyện kể về những nhân vật của mình trong một khúc sông tuổi thơ. Một khúc sông ngắn ngủi thời niên thiếu, một cuộc phiêu lưu trẻ thơ, non nớt, vụng dại."
Tôi không mấy tin vào những khiêm nhường của các tác giả Lê Kiên Thành và Bình Ca là chỉ họ chỉ dừng lại một, hai cuốn sách của đời viết?
Cũng như đã khép lại cuộc tụ những người yêu sông Việt. Nhưng hình như đương mở ra, đương là cú hích cùng những xui nguyên giục bị cho những ý tưởng sáng tác của các cây viết về một khúc sông. Và cả những dòng sông của đời mình.