Đời sông cũng như đời người, nương vào đâu thì hòa vào đó, dù thăng trầm biến đổi, sông vẫn lắng mình trong phố, vẫn mang hồn phố trong mình, thao thiết, nồng nhiệt, sâu sắc và thủy chung.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông mang hồn phố của tác giả Trần Ngọc Mỹ.
Không sinh ra và lớn lên ở thành phố này, nhưng tôi như nhánh sông đã chảy về đây, tự nguyện hòa mình quấn quyện vào khoảng trời lúc tấp nập, ồn ã, lúc tĩnh lặng, êm sâu, tự nguyện gả mình cho phố với trái tim yêu cùng kiệt. Mười mấy năm hít thở thỏa thuê luồng khí đậm nồng hơi muối biển, da thịt thấm đẫm gió nắng thị thành phồn hoa, đủ để tôi phần nào lắng trong hồn phố. Có phải, dòng Tam Bạc cũng giống như tôi, đời sông cũng như đời người, nương vào đâu thì hòa vào đó.
Nhìn từ trên cao xuống, sông Tam Bạc hệt một dải lụa uốn lượn mềm mại vắt qua trung tâm thành phố Hải Phòng, nối từ sông Lạch Tray chảy ra sông Cấm, là con sông xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, gắn bó với những thăng trầm của vùng đất có bề dày lịch sử. Hải Phòng vốn là thành phố sở hữu nhiều cây cầu, nhiều con sông, chạm đến đâu người ta đều khám phá ra vẻ đẹp nên thơ, mang sắc màu riêng, nhưng có lẽ, sông Tam Bạc chính là con sông mang hồn phố Cảng. Chả thế mà có câu: “Hải Phòng có bến Sáu Kho/Có sông Tam Bạc, có lò Xi Măng”.
Ngoài sông Tam Bạc, Hải Phòng còn có phố Tam Bạc, cầu Tam Bạc, hồ Tam Bạc, bến xe Tam Bạc... Tất cả gắn liền với nhau, có mối liên kết chặt chẽ, tạo nên khoảng trời rất Hải Phòng. Sở dĩ, tôi nói, sông Tam Bạc mang hồn phố Cảng bởi vì, từ xưa cho đến nay, con sông như chứng tích lịch sử, không rời với từng nhịp thăng trầm, từng bước phát triển, đổi thay của thành phố. Hải Phòng từng được coi là một thương cảng lừng lẫy, có tiếng vang khắp vùng về độ sầm uất, giàu có. Vào thời thịnh vượng, dọc sông Tam Bạc, các bến tàu với các cầu tàu lúc nào cũng neo đậu chật kín, tàu thuyền ngược xuôi, tiếng người, tiếng máy náo nhiệt, ầm ì.
Bên sông Tam Bạc có chợ Sắt, chợ Đổ. Những cái tên khắc ghi vào tâm khảm, dệt lên bao ký ức đáng tự hào của người dân phố biển và để lại nhiều ấn tượng, thương nhớ của bao người đã từng ghé thăm. Nay bến xe Tam Bạc đã thay bằng dải công viên xanh mát, rộng mở, chợ Đổ, chợ Sắt đã chuyển về chợ Tam Bạc. Thay vào đó, đất chợ Sắt cũ dành cho thi công dự án Tổ hợp trung tâm thương mại chợ Sắt lên đến 6.000 tỷ và đang trong tiến trình hoàn thành.
Vào cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, phố Tam Bạc được xây dựng cùng với sự phát triển của đô thị, nhưng khác với các khu phố Tây sang trọng, thiết kế đồng bộ, chuẩn mực, thì nhà ở phố Tam Bạc lại lô xô, thụt thò, cao thấp, các khuôn cửa màu sắc, hình dáng, kích thước khác nhau, đúng theo kiểu, mạnh nhà nào nhà ấy làm. Nhưng vô tình, việc xây dựng có vẻ thực dụng, không theo nguyên tắc nào đó, lại tạo nên một tổng thể Tam Bạc đa hình khối đặc trưng, chẳng thể lẫn vào đâu. Và nhờ vẻ độc đáo ấy, Tam Bạc xưa làm mê đắm bao văn nhân, thi sĩ tên tuổi lừng danh, nhiều bức họa tuyệt tác hay bản nhạc bay bổng, để đời cũng được ươm mầm từ đây. Tuy nhiên, người ta không thể phủ nhận có thời kỳ, sự lúp xúp, tướp táp của góc phố Tam Bạc khi chở che bao phận người nổi nênh, cơ cực.
Nhà văn Nguyên Hồng cũng đã từng đồng cảm, trải lòng với những phận bốc vác, phu xe, những gia đình nghèo túng, bám trụ mưu sinh, neo ở bến sông này. Năm 2019, Tam Bạc được khoác chiếc áo mới, với dự án chỉnh trang đô thị của thành phố Hải Phòng, cùng ý thức của người dân sinh sống tại đây muốn sửa sang để thu hút khách du lịch. Những ngôi nhà cũ ven sông được bảo tồn, những ngôi nhà mới được xây theo quy chuẩn riêng mọc lên ngay hàng thẳng lối. Hai bên bờ sông, đường đi lối lại mở rộng, trải thảm nhựa sạch đẹp, lòng sông thì được khơi thông, dựng xây kè chắc chắn.
Trên sông bây giờ không đông đúc, nhiều tàu bè như trước, chỉ còn lác đác vài con thuyền nhỏ được sử dụng với mục đích cá nhân, có thể để đi câu cá hoặc vận chuyển hàng hóa nhỏ. Hiện dự án chỉnh trang con đường ven sông vẫn đang hoàn thiện nốt một số đoạn nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông, góp phần chỉnh trang đô thị theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp.
Đối diện phố Tam Bạc, bên kia sông là phố đi bộ Thế Lữ, được thiết kế đồng bộ, tạo cảnh quan tươi mới. Các cửa hàng kinh doanh ẩm thực, đồ uống, đồ lưu niệm, phục vụ giải trí…luôn được mở cửa đón khách du lịch tấp nập và sôi động. Các cuối tuần, con phố như bừng thức với các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật được tổ chức một cách bài bản, công phu. Không gian cạnh sông thực sự tạo nên sự khác biệt, vừa thoáng đãng, mộng mơ, vừa đậm đà hương vị ẩm thực đặc trưng phố Cảng. Phong vị của người biển dường như tập trung đầy đủ ở đây với bánh đa cua, bánh cuốn chả, nem cua bể… Thành phố còn thiết kế, cung cấp các dịch vụ, công trình công cộng thuận tiện như cho thuê xe đạp, có nhà vệ sinh chung… rất thuận tiện cho khách thăm quan, đi bộ.
Với tôi, người đang sinh sống và làm việc ở trong lòng phố Hải Phòng thân yêu, việc đi dạo hay ngồi cà phê để ngắm nghía con sông Tam Bạc không phải quá khó. Nhưng chưa khi nào, nơi này làm tôi vơi hứng thú, vào mỗi sớm bình minh, được ngồi nhâm nhi ly cà phê, thong thả hưởng thụ, hít hà căng lồng ngực gió sông thổi vào sẽ khiến lòng cảm thấy thật khoan khoái, dễ chịu. Cứ như thế, không khí trong lành thắp lên một ngày mới phơi phới, đầy năng lượng bắt đầu với bao người như tôi. Tôi cực kì thích cảm giác ấy nên cuối tuần, tôi thường chọn cho mình một vị trí lý tưởng, cùng gia đình hoặc bạn bè ngồi trò chuyện, ngắm người, ngắm cảnh ở đây. Dưới bầu trời lãng đãng mây bay hay nắng rực, bên bờ sông, những bông hoa giấy vẫn thản nhiên, phấp phới, khêu gợi, những chiếc non lá xanh tạo không khí trong trẻo, tươi mát. Cả dãy dài đèn lồng được treo lên lủng liểng, đan xen các sắc màu khác nhau, thật hút mắt. Hẳn là, ban đêm thứ ánh sáng do chúng tạo nên sẽ rất mê hoặc, nhưng ban ngày nó đẹp không kém, vì những chiếc áo xinh xắn chúng đang mặc.
Trên phố Thế Lữ, ở một quán cà phê, người họa sỹ đã thiết kế một mảng tường lớn, nền đỏ, có hình con rồng vàng đang bay lên, trên trên lưng con rồng dòng chữ Hải Phòng thật đẹp. Giới trẻ vẫn hay gọi đó là bức tường lửa, hợp với “chất” của người Hải Phòng. Lúc nào cũng đầy nồng nhiệt, đầy đam mê, đầy mạnh mẽ. Hình ảnh khẳng định khí thế một Hải Phòng, đặc trưng một Hải Phòng “hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu”. Phía trước, đương nhiên vẫn là con sông Tam Bạc bốn mùa sóng nước dập dềnh xao động, say đắm lòng người. Người qua phố, đặc biệt là các bạn trẻ không cưỡng lại vẻ đẹp, thường đứng lại chụp ảnh để lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ với khung hình ấn tượng.
Đúng là, người yêu sông - sông sẽ đền đáp, người yêu phố - phố sẽ trao tình.
Vào đêm, con đường hai bên bờ sông Tam Bạc, có những khúc thật tĩnh mịch, thưa vắng, nghe rõ từng bước chân chậm rãi dạo qua và có những khúc lại rộn rã vô cùng bởi tiếng nhạc, tiếng nói cười, vui chơi bất chấp thời gian. Đứng đó quan sát thật kỹ, bạn sẽ thấy rõ hai bờ ranh giới khác biệt, bạn có băn khoăn chọn cho mình khoảng không gian nào thích hợp? Tam Bạc trao cho bạn quyền lựa chọn. Và tôi tin người thích đứng ở góc sông yên vắng, dưới ánh đèn vàng ấm áp, say sưa ngắm nhìn cây cầu lấp lánh đằng xa hay người đang lắc lư theo từng nốt nhạc trong quán xá sôi động, nhấp nhánh đèn màu bên dòng Tam Bạc đều tìm về được chính mình. Đó chỉ là cách thức mỗi người tắm gội, làm tươi mới cảm xúc của bản thân, để ngày mai, trái tim càng nhiều năng lượng sống và làm việc hăng say hơn.
Thức với phố biển vào khuya, kể cả người dân đang sinh sống ở dãy nhà ven sông này hay những du khách lần đầu chạm chân đến đây đều không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên với vẻ lung linh đến sững sờ. Chuỗi đèn các màu đổi ngôi từ vàng, tím, xanh… lấp lánh kéo dài trên mặt sông như chiếc áo kỳ diệu. Những con sóng đủ động để tạo nên sự xao động nhẹ nhàng, chúng lăn tăn, sóng sánh đuổi nhau từ bờ bên này đến bờ bên kia giống hệt một tấm thảm gắn muôn vì sao. Cây cầu vắt ngang sông càng tuyệt vời hơn nữa, như nét chấm phá cho bức tranh thêm hoàn hảo, nó mang cả giấc mơ tuyệt đẹp đến với bầu trời đêm thành phố. Và thật xao xuyến biết bao khi bắt gặp đôi uyên ương dưới bóng cây cùng dạo bước, thì thầm bên nhau trong khung cảnh thơ mộng thế này.
Chúng ta nhận ra, chưa bao giờ, dòng Tam Bạc mất đi vẻ đẹp nên thơ, huyền ảo vốn có của mình. Dù mấy năm gần đây, Hải Phòng đã liên tục bóc mình, nhà nối thêm tầng, đường nối thêm đường, cầu tiếp cầu… Sự tất yếu đổi thay để tiện nghi, tươi mới, chúng ta sẵn sàng mở rộng lòng, đón nhận chiếc áo hiện đại, khoác lên sức sống mạnh mẽ cho gương mặt cuộc sống hôm nay. Như tôi được biết, dự án chỉnh trang sông Tam Bạc hoàn thành trong năm 2024. Sự phát triển không ngừng chính là niềm tự hào của tất cả người dân đang sinh sống trên mảnh đất thân thương này.
Tôi tự hỏi, sắc màu xưa cũ một thời đã làm tan chảy bao trái tim thi sĩ của dãy phố Tam Bạc đã bị vơi đi ít nhiều phải không? Nhưng dù thế nào, hãy ngồi thật im để nghe, để thấm, để hiểu, kia dòng sông Tam Bạc vẫn lắng mình trong phố, vẫn mang hồn phố trong mình, trầm mặc, thao thiết, nồng nhiệt, sâu sắc và thủy chung.
Trần Ngọc Mỹ
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.