Chỉ dài 12km, sông La yên ắng, hiền hòa đã mang lại sự trù phú cho vùng đất được xem là đẹp nhất xứ Nghệ với lịch sử hàng ngàn năm cùng bao danh nhân kiệt xuất.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông La lắng đọng phù sa của tác giả Trần Quỳnh Nga.
Những lần về với quê hương, đứng trước dòng sông mang đầy nỗi nhớ, tôi đều mang trong lòng một cảm giác thư thái lạ thường. Sự vĩ đại của dòng sông là tự nó kể ra câu chuyện của chính mình: câu chuyện của các con sông con suối nhỏ, băng qua bao nhiêu vực sâu, ngóc ngách khe đá, thác đổ từ Ngàn Sâu hay Ngàn Phố cuối cùng đổ về, hợp nhau ở Tam Soa mà trở thành sông La lừng lững.
Lần giở lại sách Đại Nam nhất thống chí có viết rằng, sông La có hai nguồn: Một nguồn từ động Thâm Nguyên (tức Ngàn Sâu) ở núi Khai Trương (tức núi Giăng Màn) châu Quy Hợp tỉnh Hà Tĩnh (đạo Hà Tĩnh, xứ Nghệ xưa), chảy về Đông đến xã Chu Lễ, hợp với sông Tiêm, đến xã Bào Khê gặp sông Trúc, qua sông Cửu Khúc đến xã Vụ Quang thì hội với sông Ác (tức sông Ngàn Trươi), đến xã Đỗ Xá thì gặp sông Ngàn Phố. Nguồn kia là sông La Hà bắt đầu từ ngọn Cốt Đột núi Giăng Màn, chảy về phía Đông gọi là sông Ngàn Phố đến Đỗ Xá hợp với sông La. Sông La chảy đến xã Bùi Xá thì chia ra một nhánh chảy vào sông Minh, chảy tiếp về Đông đến xã Tường Xá thì đổ vào sông Lam.
Rông dài là vậy nhưng khởi nguồn từ điểm hợp lưu của hai con sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu, từ bến Tam Soa, những con sông sau khi vượt qua bao núi non thác ghềnh, bao nóng nảy thét gào mà trở nên hiền hòa, thoai thoải. Sông La chỉ dài 12km yên ắng và hiền hòa đã ưu đãi cho người dân nơi đây sự trù phú của vùng đất được xem là đẹp nhất ở xứ Nghệ, lại có lịch sử hàng ngàn năm, bao danh nhân kiệt xuất đã ra đời làm rạng danh non nước: Nguyễn Biểu, Bùi Dương Lịch, Phan Đình Phùng, Trần Phú… là nguồn cảm hứng cho các thế hệ văn nhân tài tử.
Yên Hồ, dải đất cuối đồng bằng hữu ngạn sông La dưới thời nhà Trần gọi là Bà Hồ, thời Lê gọi là Bình Hồ. Đời Tây Sơn (1789) để tránh tên húy của Quang Trung, nên đổi Bình Hồ thành Yên Hồ. Cái tên Yên Hồ được bắt đầu từ đó. Yên Hồ có thế đất Điểu linh (con chim linh thiêng) hai cánh là hai làng Nội Diên và Yên Phúc, Diên Vượng là cái đầu đang uống nước sông La. Con sông La trong xanh vòng quanh nối với sông Minh thơ mộng, ôm hai làng Nội Diên và Yên Phúc phía trong, cùng xóm Đồng Dâu phía ngoài lại tạo nên thế chữ “Tâm”, đây là cái thế bền vững muôn đời (mà theo nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu cũng vì thế đất hội tụ đó mà đất Yên Hồ được nhắc đến như là một nơi học hành, thi cử đỗ đạt bậc nhất Châu Hoan xưa).
Đất Yên Hồ rộng rãi và khoáng đạt đã nuôi nấng dân làng tôi bằng nghề thợ rèn, nghề kéo che nấu mật, nghề đãi hến ven sông… Tất cả nỗi vất vả nhọc nhằn dậy mùi thơm thảo đó đã hun đúc lại mà làm nên hình người dân Yên Hồ: có cái thật thà của đất, có cái đằm sâu dân dã của mật và có cái mượt mà ngọt ngào của dòng La tuôn chảy để dù có đi đến đâu, khắp bốn phương trời… cái lẽ tự nhiên làm nên cốt cách đó vẫn không thể nào thay đổi.
“Muốn ăn xôi nếp đỗ chà,
Muốn lấy gái đẹp thì ra Yên Hồ”
hay câu thành ngữ: "Sống thì làm đế làm vương, chết xin được làm cá mương Đức Thọ". Câu truyền khẩu: “Đi ngang về tắt không kẻo nước dắt Đức Thọ” cũng chỉ là để nói lên tinh thần của một vùng đất đã có quá nhiều trầm tích!
Gắn với dòng sông nhất phải nói đến nghề cào hến. Nghề cào hến bắt đầu từ bao giờ, tôi không còn nhớ nữa. Ngay cả ông tôi khi nhắc đến nghề đó cũng chỉ biết bắt đầu bằng câu chuyện… ngày xưa, nhưng trong nếp nghĩ của ông nó thân thuộc, nên thơ như nhớ về một thời đã xa bình yên lắm. Chỉ nhớ mỗi lần trở về, đi dọc sông La bà tôi thường tìm mua bằng được con hến về nấu. Hến đun sôi lấy nước làm canh còn ruột đãi sạch để ráo. Khi mỡ đã sôi và dậy hành đem đổ hến vào đảo đều cùng nhút mít. Mít phải là mít non đem gọt vỏ bằm nhỏ muối chua thêm một ít giá, ít rau răm và vài chiếc bánh đa là hoàn tất. Món hến đơn giản, dễ làm và không kén người. Hến vốn lạnh nhưng đã khéo chiều người bằng cách khi nấu người ta đem bỏ vào đấy một ít gừng tươi giã nhỏ cùng một ít rau răm, lá lốt để trung hòa. Hến có vị ngọt bùi đậm đà của ruột hến, có vị chua giòn của mít non, có mùi thơm của rau thơm và vị cay nồng của gừng trộn lẫn vào nhau mà thành món ăn chiều lòng khách.
Tôi đã đi nhiều nơi, đã thử ăn hến của các vùng khác nhau nhưng không hiểu sao hến Sông La vẫn níu chân những bè bạn lãng du khi tôi đưa họ về làng thưởng thức vị hến trên bờ đê ăm ắp gió từ dòng sông cuộn thổi. Nước hến đùng đục trắng như sữa non và thơm mùi gừng nóng hấp dẫn, là thứ nước linh thiêng vì nó mang trong mình vị ngọt của phù sa, vị thơm của đất mà chưng cất thành món ăn bình dân nhưng thanh cao đến không ngờ.
Những chuyện xửa chuyện xưa có thể cũng chỉ là huyền tích. Song người đời không dễ gì cứ tự nhiên mà khen chê mà đúc kết thành câu ca dao để đời đến thế.... nhưng tất cả những điều kiện thiên thời địa lợi ấy mà không có sự vun đắp chung tay của những sức người vun đắp từ thế hệ này đến thế hệ khác thì làm sao có được một làng quê trù phú, thanh bình.
Về Yên Hồ của những ngày đổi mới với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Yên Hồ đã từng bước thoát khỏi những khó khăn của một xã thuần nông. Những năm qua, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới xã mạnh dạn quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả, mô hình chăn nuôi quy mô lớn, tiếp tục cải tạo, đầu tư phát triển loại hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp, sản xuất hàng hóa gắn với sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, hình thành các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, xây dựng mô hình liên doanh, liên kết quy mô lớn, vừa và nhỏ.
“Gìn giữ văn hóa và phát triển kinh tế là tiêu chí đặt ra hàng đầu của Yên Hồ”, ông Trần Hải - Bí thư Đảng bộ xã Yên Hồ đã nói như vậy với chúng tôi - những người con Yên Hồ xa quê sau những tháng năm dài trở về và chúng tôi tin khi thực sự biết rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Hồ đã xuất sắc hoàn thành các tiêu chí, cán đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2023.
Một ngày tháng sáu, chưa kịp đi qua cái bỏng rát của những ngày nắng lửa. Về đến quê, ngay đầu làng tôi đã cảm nhận được sự yên bình, mộc mạc của làng quê khi đi qua những con ngõ xanh mát, qua hồ sen, hồ súng ngát hương. Trước mặt tôi là dòng sông, dòng sông La xanh biếc trong kí ức của tôi ngày nào bây giờ đang ở trước mặt tôi, đang ôm trọn quê tôi bằng cái thế “chữ tâm” vững chãi muôn đời bằng những lắng đọng phù sa lặng lẽ bồi đắp nên dáng hình xứ sở. Và lúc ấy tôi chợt nhận ra rằng: không phải trước mặt tôi thôi, dòng sông La đã ở trong tôi nguyên vẹn tự kiếp nào.
Trần Quỳnh Nga
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNettổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.