Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông mười ba tuổi của tác giả Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa Văn học, ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội.

Thằng bé ấy sợ sông. 

Khi ấy chắc hắn còn bé lắm, lũn cũn theo mẹ ra bến sông đãi hến. Bà bắt hắn ngồi cách bờ một quãng. Bỗng hắn hét lên: “Mẹ ơi! Rắn! Rắn!” rồi òa khóc. Bà giật mình ngoảnh lên hỏi rắn đâu. Hắn chỉ vào các lườn sóng vặn vào mép nước lẳn như con rắn xanh bò miên man. Mẹ cười. Cả mấy chị cũng cười theo. Có lẽ đó là ký ức đầu tiên về bến sông quê còn lưu lại.

anh song lam 3.jpeg
Cánh đồng đất bãi ven sông Lam. Ảnh: Sách Nguyễn

Nhà hắn nhìn ra dòng sông Lam mênh mông, cách một khoảng vườn người xóm trong trồng đỗ lạc và một dải nương dâu non ngăn ngắt. Trước khi đi làm cỏ khoai, cỏ mía, mẹ hắn thường dặn: “Con chơi ngõ sau nhé, không được ra phía trước bãi dâu. Con nhìn kìa, ông buồm đấy! Ông ấy quấn lấy con rồi đưa xuôi Hội Thống đấy”. Hắn hãi hùng nhìn những cánh buồm căng phồng, vá chằng vá đụp ngoài kia như đang bay trên mây trắng. Cũng có những chiếc buồm cuộn lại, di chuyển im lìm, bí ẩn. Tựa hồ trong đó bọc những đứa bé tội nghiệp. Nước mắt hắn ứa ra.

Hắn quanh quẩn trong ngôi nhà ba gian gỗ dổi nâu nâu, tràn ngập mùi thuốc bắc và giấy dó. Ông nội bốc thuốc và quấn hương đợi cho vụ Tết. Thi thoảng, trò cũ của ông - những người tóc đã hoa râm - đến chuyện trò thăm hỏi. Mỗi lần như vậy, ông hắn lại bắt hắn ra chào khách rồi vòng tay đọc trầm những câu đối đỏ dán đầy các cột gian ngoài: Thành lĩnh vân thiềm tùng hướng lão/ Lam giang nguyệt lãng thủy trừng thanh… Hắn thuộc lòng thôi chứ có biết một chữ Hán nào đâu. Nhưng vẫn được các bác các chú khen là sáng dạ.

Một buổi sáng, hắn dụi mắt thức dậy, trước ngõ lao xao tiếng các bà đi chợ. Mùi rượu  ngoài đó, lan qua khoảng nương lạc, thơm đến tận khoảng sân nắng vàng: mấy bà xóm ngoài Yên Cư vừa đội rượu qua. Bỗng có tiếng gì khọt khẹt, rồi tiếng loa vọng vang: Anh chị em ơi/ Ba mươi năm đời ta có Đảng/ Hôm nay ôn lại quãng đường dài…

Hắn bật dậy, nhằm bến phà chạy lên. Đó là một xóm nhỏ hai bên con đường số Tám cũ như một thị tứ. Chủ yếu là quán hàng, có nhiều người tản cư thời kháng chiến ở lại. Hắn đứng bên lều cắt tóc của dượng hắn, ngửa cổ nhìn lên chiếc loa treo trên cột tre mới dựng còn xanh vỏ. Sóng âm thanh như nhấn nó vào biển ngôn từ hào sảng. Hàng tuần liền, vẫn một bài ấy sáng sáng vang lên. Hắn thuộc lòng bài thơ tự lúc nào dù chưa đi học. Năm đó, hắn 5 tuổi.

Và từ đó, những câu đối dán cột, bài thơ hào sảng kia, như đã vĩnh viễn nhuộm đỏ tâm hồn hắn. Vĩnh viễn, cho đến bây giờ đã bước sang thất thập.

Hắn đang đứng nghe thì có người gọi, dì đang bước từ đò ngang chòng chành lên bến chợ. Dì cười với hàm răng đen nhánh. Dì trở về lấy chồng bên kia sông. Hắn sớm nhận ra rằng sao dì lúc nào cũng tươi tắn mà mẹ thì buồn đến vậy, dù hai người giống nhau như hai giọt nước. Bên kia sông, làng Quang Dụ ấy, có nhà thờ họ nội hắn. Mỗi lần dì sang là tiếng cười và niềm vui ngập tràn. Khi dì về, dòng sông như mênh mang hơn, nhìn theo dì hút cả tầm mắt.

Không biết từ đâu, bộ đội hải quân về đóng khắp làng trên xóm dưới. Sáng ra, chạy ra sau hói lớn xem các anh chèo xuồng xuôi Bến Thuỷ cho đến khuất bãi bờ. Lại chạy ngược ra sông chờ đợi gần trưa, những mũi xuồng rẽ sóng, những bài chèo nhịp nhàng, mạnh mẽ ngược dòng về bến. Bọn trẻ xúm đen lại nhìn các anh hò dô nâng bổng chiếc xuồng lớn đưa lên mấy dãy lán dựng tạm. Buổi tối, các anh sắc phục chỉnh tề, đứng khoác tay nhau hát bài Kèn chiến thắng hào hùng.

Bến sông chiều như đông hơn bởi các chị ra tắm và giặt giũ ở bến dưới. Các anh Hải quân đi ăn về cũng đi đều thành từng hàng theo tiểu đội mặc cho các chị eo éo dưới sông gọi tên, chọc ghẹo.

Lúc này, hắn đã 6 tuổi và bài thơ đầu tiên của hắn vẽ hình anh hải quân bồng súng gác trên đảo xa, có chiếc tàu lớn cùng ống khói phun như mây, cánh hải âu chao liệng: Ngoài khơi sóng vỗ ngàn hòn đảo/ Sóng vỗ đoàn thuyền nhẹ lướt trôi… Dù mãi rất lâu sau này, hắn mới nhìn thấy biển.

Buổi tối ngoài sân, chị hắn nghiêm giọng: “Em vừa vừa thôi nhé! Ra sông tắm, cứ lặn xuống dưới quần mấy chị đoàn viên rồi ngoi lên làm gì? Chị nghe o (cô) Đinh mách thế!”. Hắn nghẹn lại rồi cãi: “Em… em biết bơi đâu mà lặn. Em ngồi mép sông khoát nước lên người thôi!”. Mẹ hắn ra quát: “Mấy chị em gỡ quần áo ngoài rào vào đi. Vào học, thức lâu tốn dầu”. Hắn ấm ức bước qua ngạch cửa.

Rồi thầy về. Thầy làm ở nhà máy đường, tổ trưởng “nông vụ”, theo dõi và thu mua mía mấy huyện. Thật lạ là gần trưa, thầy vắt khăn lên vai dẫn hắn và hai chị ra sông. Ông lội xuống ngang ngực và vẫy: “Uồm ra đây, uồm đi. Đừng sợ”. Hắn hãi hùng nhào ra, quặp cứng lấy ông. Ông bảo hắn lật sấp lại rồi nâng tay dưới bụng tập bơi. Bất thần, ông thả tay. Hắn chìm nghỉm, vẫy vùng rồi sặc sụa. Thế là ông kéo tuột lên bờ, đi về. Ngang bãi, thầy ôn tồn dặn hai chị: “Các con chiều chiều dẫn em ra sau hói cạn, tập bơi cho em. Nó không biết bơi thì nguy đấy. Mới thả tay ra đã giã gạo thế kia. No bụng nước rồi chứ?”. 

Mùa lụt, nước bạc từ thượng nguồn đổ về. Nước lên rất nhanh dù dưới này chưa mưa. Thầy hắn vác tre đực và bó lạt giang bảo hắn ra hói sau cánh bè. Hai lốt nứa to được bó lại thành 20 bó nứa dài. Tre đực từng đòn đặt ngang niệt lại thành gian một, hai lớp nứa bó chồng lên, gần đến bụng hắn. Có gian đắp đất làm bếp, có gian chuồng lợn chuồng gà, đặt bể nước mưa. Nhìn những bọng trắng tổ ễnh ương treo cao dọc lũy tre, thầy bảo là chuẩn bị có lụt to.

Buổi chiều, hắn trốn thầy mẹ ra sông hóng nước, chơi cùng người anh con o tên Trung, trước hắn ba tuổi, đã cao lòng khòng. Nước đã mấp mé bờ, những củi rều, bọt trắng, tổ kiến trôi băng băng, xoáy nước cuộn sâu hoắm, vù vù. Ỏm một cái, đất phù sa sụt xuống, hắn quay được người lại, níu bờ. Càng níu càng sụt vì đất đã bở tơi. Rất nhanh, anh Trung bò ra, nằm xoài, níu tay hắn kéo dần lên. Hắn sặc nước, hí hóp vuốt mặt. Cũng chả kịp hỏi anh, hắn định co chân chạy về. Anh giữ lại: “Cởi quần áo ra tao vắt phơi cho, để tóc khô rồi về không thì thầy mày tát chết!”. Hắn sực nhớ là đã bị cấm ra sông. Anh Trung kể, bữa con bò đực nhà anh sụt bờ mới căng, nhưng mà nó biết bơi, kè mãi xuống hói ngoài mới dắt lên được.

Hắn sau này mới ngấm dần cái ơn cứu mạng của anh. Năm 1979, nhân đi điền dã biên giới Việt Lào hai tháng, khi về xuôi, hắn xuống xe ở Quỳ Hợp tìm nhà o dượng. Đứng trước bàn thờ không có ảnh của anh, hắn thắp nén hương vái lạy, âm thầm tạ ơn anh đã cứu mạng bên bờ sông quê ấy. Anh hy sinh năm 1972 trên chiến trường Quảng Trị khi 21 tuổi đời. Hắn thưa cùng o dượng cái vụ rớt sông được anh cứu mà chỉ có hắn cùng anh biết.

anh song lam 5.jpeg
Cầu Yên Xuân nối đôi bờ sông Lam. Ảnh: Quốc Đàn

***

5/8/1964 - ngày không thể quên.

Chưa bao giờ hắn nghe thứ tiếng gì gầm to đến mức phải bịt tai lại như vậy. Giữa trưa, máy bay Mỹ luồn qua Ngàn Hống, rẹt theo dọc bờ sông bay về mạn ngược. Cao xạ nổ từng đốm khói giữa nền trời xanh chói mắt.

Nhìn ra phía Vinh - Bến Thủy, cột khói cháy kho xăng lừng lững bất động giữa trời, tựa hồ mãi mãi không tan.

Chiến tranh như định mệnh. Tháng 4/1965, những quả bom tấn đầu tiên giáng xuống bến phà nhưng chệch sang bãi dâu trước nhà hắn. Những mảnh bom tưa tớp, lè ánh thép, sờ vào cháy tay. Những tảng đất như sọt đất hộ đê ném tan giàn bầu, nện lõm cả mặt sân trước nhà. Từng khóm tre bị phạt ngang thân gãy gập.

Nhà hắn gần bến phà cũ nên nhấp nhỏm sơ tán làng gần xóm xa. Đêm đêm, pháo sáng giăng mặt sông, có thể xâu kim được. Có đêm thì xa hơn, nhìn qua sông về phía Đồng Lộc, pháo sáng chăng đầy trời. Mẹ hắn nhấp nhổm cửa hầm nói: “Trời ơi, chị Trinh còn ở trong nớ”.

Hắn được kết nạp đội Thiếu niên Tiền phong trong một đêm pháo sáng như vậy. Lá cờ đội chăng trên gốc cây quéo làng bên. Để rồi sau đó là những đêm đưa bộ đội hành quân theo bến mới mà chỉ ít người biết, là những ngày theo người lớn rà bom từ trường.

Chiến tranh càng ác liệt. Nhiều gia đình rời xóm sông lên miền Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp khai hoang và tránh bom đạn. Hắn chui xuống hầm tấm tức khóc vì xa bạn. Hiền ơi, Thu ơi, Ninh ơi, Thiện ơi, Toàn ơi… sao các bạn đi xa đến vậy, đây mới là quê mình cơ mà. Nhưng rồi cũng đến lượt gia đình hắn phải dời ra vùng đồi núi khi một quả bom nổ chậm găm vào thềm.

Mười ba tuổi, mười ba năm bên dòng Lam biêng biếc. Mười ba năm nhuộm đỏ hắn từ đầu đến gót và cho đến tận hôm nay.

anh song lam 6.jpeg
Sông Lam nước xanh phẳng lặng. Ảnh: Trung Hà

Nhưng kỳ lạ lòng hắn ngày càng xanh dần. Đi đâu cũng nhớ màu nước ấy. Xanh như là mặc cảm, như là ẩn ức. Xanh đến nỗi gần hết đời, hắn không thể nhúng tay xuống nhiều dòng sông Bắc Bộ mà sẵn sàng bơi bất cứ dòng sông miền Trung nào khi cuộc đời đẩy hắn đến: sông Gianh, Nhật Lệ, Kiến Giang, Hiền Lương, Thạch Hãn, Ô Lâu, Hương Giang, Thu Bồn…

Thỉnh thoảng có dịp là hắn về bên sông. Sông đã đổi hẳn một dòng. Ghềnh đá, nơi hắn quẩn quanh một thời tìm trứng rùa, trứng ba ba đã nổi lên phía bờ bên bãi.

Hắn đứng trước dòng nước mênh mang, cay cay sống mũi, không phải tiếc trẻ, không phải nuối già, không hoài cảm bể dâu… Hắn tiếc cho dòng xanh tôm cá. Những công ty khai thác cát xây dựng triền miên khuấy đảo đêm ngày. Không còn xanh biếc mùa hạ, không còn nước bạc mùa thu, không còn cả những bát nước hến đập gừng mà màu vẫn ánh xanh xà cừ…

Mà là nước đục quặn dòng. Nhưng biết làm sao được.

Nguyễn Hùng Vĩ

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. 

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng:  01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. 

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

boxtaitro dongsong 324.jpg