Khi mưa phấn giăng cùng với hoa xoan nở tím bồng bềnh như mây cũng là thời điểm từng đoàn cá trích mòi từ biển di cư ngược lên các dòng sông để sinh sản. Đây được xem là lộc trời cho cư dân vùng ven sông Lam.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Lam, mùa săn cá trích mòi ‘nửa sông, nửa biển’ của tác giả Tiến Dũng.
Truyền thuyết bi thương
Đêm đầu tháng tư, sông Lam một màu huyền sương khói, sóng khẽ vỗ vào mạn thuyền. Phương, tay vạn chài có thâm niên mưu sinh bằng nghề chài lưới trong thời gian đợi cá đã kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết cá mòi.
Chuyện rằng, ngày xưa có một nàng công chúa con gái của Long Vương và một chàng ngư phủ nghèo yêu nhau thắm thiết. Nhưng vua cha không muốn gả con gái cho chàng trai nghèo. Vua bèn vời chàng trai đến, yêu cầu phải tìm được nhân sâm hình người ngàn năm trên đỉnh Pù Huống, mới gả con gái cho. Tạm biệt người yêu, chàng khăn gói lên đường và hẹn mùa xuân sau sẽ về. Nhưng rồi công chúa khắc khoải đợi chờ bao mùa xuân, đến khi không thể chịu đựng được nữa nàng đã vượt sông đi tìm chàng. Nàng đi, đi mãi đến thượng nguồn nhưng không may gặp phải thác dữ và bị va vào đá, xác nàng dạt vào bãi bồi bên sông Lam. Lại nói, chàng trai đi tìm nhân sâm ngàn năm cũng đã gục chết trên đỉnh Pù Huống vì rừng thiêng nước độc và bao mùa thương nhớ.
Cảm được tấm chân tình và tình yêu của đôi trai gái, thượng đế đã động lòng cho họ hóa kiếp thành 2 con chim ngói, mỗi năm được gặp nhau một lần ở thượng nguồn dòng Lam.
Bắn điếu thuốc lào, nhả khói trông rất liêu trai, Phương bảo: “Cá mòi là kiếp sau của chim ngói. Chim biến thành cá mòi, mùa xuân lại quay về chốn cũ. Luân hồi chuyển kiếp chẳng biết đúng sai thế nào nhưng trong bụng cá mòi có cái mề cá giống y chang mề chim ngói.”
Truyền thuyết từ ngàn xưa này có thể đã dựa vào lịch tính di cư của cá mòi và tăng thêm sự hấp dẫn cho loại sản vật thơm ngon này. Theo khoa học, cá mòi có một đồng hồ sinh học đặc biệt, khá giống với loài cá hồi của phương Tây. Chúng được sinh ra ở sông nhưng lại bơi ra biển để sống, chỉ tới cuối mùa xuân, cá cái phát dục nên phải vượt nguồn nước chảy mới có thể đẻ, còn con đực vì không muốn rời xa “bạn tình” nên đi theo và cũng là để bảo vệ nòi giống của mình.
Vì thế, cá mòi không sẵn có mà mỗi năm chỉ rộ lên vài lần, nhiều nhất là vào tháng 3 đến tháng 5 (dương lịch). Vào khoảng thời gian này, cá mòi đi từng đàn ngược sông nô đùa. Nếu nước sông trong, sẽ thấy chúng bơi lội nhảy múa, lao lên không trung lấp lánh ánh bạc như một vũ khúc trên sông.
Mùa săn cá mòi trên sông Lam
Đây cũng mùa săn cá mòi của dân vạn chài ven sông Lam. Theo Phương, cách đánh bắt cá mòi đơn giản, nhưng để đánh bắt được nhiều phải có bí quyết riêng và nắm được quy luật, thời gian ngược dòng của cá mòi. Theo kinh nghiệm của anh, ban ngày cá mòi thường bơi ở độ sâu 2 - 3m, ban đêm chỉ khoảng dưới 1m. Vậy nên đánh bắt cá mòi vào ban đêm sẽ thuận lợi hơn. Thuận lợi nhất là lúc trời lạnh, sau đó có nắng ấm và gió nồm. Đặc biệt, lưới đánh bắt cá mòi phải là loại chuyên dụng, gọi là “lưới mòi” có mắt phù hợp với kích cỡ của con cá mòi, rộng 8 - 10m, dài 200-300 m; sợi mảnh, có 3 lớp. Loại lưới này chỉ dùng để bắt con lớn, con nhỏ lọt lưới sẽ là “của để dành” cho mùa cá năm sau. Theo đó, cá mòi sẽ là nguồn lợi được khai thác lâu dài mà không bị tận diệt.
Đêm, dọc sông Lam đoạn qua xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương có 6 chiếc thuyền đang chia nhau từng đoạn để chăng lưới. Những con thuyền, xoay ngang, xoay dọc, tiến lùi trông rất điệu nghệ. Gỡ những con cá mòi mắc lưới giãy giụa, Phương rất phấn khởi, anh bảo: “Tui ở xã Thanh Giang, nhưng từ Thanh Hà đến bến đò Cung giáp với Đô Lương, đoạn sông nào tui cũng đã từng buông lưới, biết được mùa nào cá lăng tìm bạn, cá mòi tìm đôi… Đêm nay phải được nửa tạ là ít”.
Khoảng 7h, thuyền Phương cập bến. Bầy cá mòi nặng trứng, ánh bạc, nhảy loi choi văng vảy lấp lánh, cá đều một lứa, vây và đuôi ánh vàng, lưng ánh bạc nằm kín lòng thuyền. Chuyến này, Phương săn được gần 50kg, bán với giá 40.000 đồng/kg, trừ tiền xăng dầu, hao mòn ngư cụ... cũng lãi gần 2 triệu đồng.
Anh Trần Văn (trú xã Thanh Hà) thả lưới kế bên Phương cũng thu về khoảng 30kg cá mòi, anh Văn phấn khởi nói: “Gia đình tôi sống bằng nghề chài lưới trên sông, thu nhập phập phù như con nước lên xuống. Nhưng cứ vào mùa cá mòi là thu nhập ổn định, mỗi ngày đêm có hơn 1 triệu bạc. Có tiền trang trải cuộc sống và con cái học hành”.
Được biết, làng vạn chài Hạ Long ở Thanh Hà có gần 30 hộ chuyên đánh bắt cá trên sông Lam. Mùa cá mòi, hầu như người dân trong làng ở hẳn trên bến, thay phiên nhau thả lưới.
Cá mòi sau khi đánh bắt sẽ được các thương lái đón mua tại bến, nhiều hộ dân cũng tự mình đưa ra các chợ quê, chợ phố để bán. Giá bán dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Loài cá kỳ lạ này không chỉ giúp ngư dân có thêm thu nhập, cánh thương lái cũng có một mùa làm việc bận rộn. Anh Nguyễn Minh, một thương lái ở Hòa Sơn, Đô Lương, cho biết: “Mấy hôm nay thời tiết thuận lợi, thuyền nào về cũng có cá mòi nên dễ mua hơn. Mỗi ngày tôi cũng mua khoảng vài tạ cá về cấp đông để bán. Tôi bán qua facebook, bởi là đặc sản nên họ đặt mua nhiều lắm”.
Không riêng gì Thanh Chương mà dân vạn chài ven sông Lam từ hạ lưu Hưng Hòa - TP Vinh ngược lên các huyện Hưng Nguyên, Đô Lương, Anh Sơn đều bội thu cá mòi. Nhưng cá mòi hiện nay ít hơn so với những năm trước kia. Ông Phan Thành, có thâm niên hơn 50 năm làm nghề chài lưới trên sông Lam, trầm buồn: “Không hiểu tại sao, mấy năm trở lại đây đàn cá mòi ngược nước sông lên thượng nguồn đẻ trứng ngày càng ít dần. Trước đây, chỉ cần buông lưới là cá mắc lưới trắng xóa, gỡ đến mỏi tay, Mỗi đêm nhặt được cả tạ. Nhưng hiện nay lúc nhiều lắm cũng chỉ 30-50 kg…”.
Theo ông Thành thì cá mòi giảm có nhiều nguyên nhân nhưng tình trạng khai thác khoáng sản ở thượng nguồn nhiều có thể đã làm ô nhiễm nguồn nước. Cá mòi rất mẫn cảm, nên nguồn nước có vấn đề, các loài cá khác có thể sống được nhưng cá mòi sẽ quay về biển ngay. Chỉ khi dòng sông sạch thì cá mòi mới rời biển ngược lên sông. “Hãy trả lại cho dòng sông những gì vốn có thì hệ sinh thái sẽ cân bằng và cảnh quan sẽ đẹp hơn, xứng đáng với tên gọi sông Lam xứ Nghệ”, ông Thành chia sẻ.
Độc đáo những món ngon từ cá mòi
Cá mòi sông Lam ngon nổi tiếng bao đời nay. Nhưng có một điều rất lạ là cá mòi vùng miệt trên như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn sẽ ngon hơn nhiều so với những vùng hạ lưu sông Lam. Lý giải điều này, những người dân vạn chài cho biết là do cá mòi tiếp xúc lâu với môi trường nước ngọt cơ thể sẽ dần quen và thay đổi. Dường như, cá mòi ngược sông càng sâu, càng thấm vị phù sa nên thịt thơm và ngọt, còn cá đánh ở ngoài cửa biển thoảng có mùi khai.
Cá mòi vùng ven sông Lam thường gọi là trích mòi có màu trắng vẩy nhỏ, da bóng nhẫy mỡ màng. Thịt cá mềm, thân mình có nhiều xương. Dù cá mòi có nhiều xương nhỏ nhưng thịt và xương đều mềm, dễ ăn. Chúng chỉ dài khoảng 15cm và nặng khoảng 30g. Theo anh Lê Hải một đầu bếp nổi tiếng ở Thanh Chương thì cá mòi có thể chế biến hàng chục món khác nhau. Nhưng món ngon nhất phải kể đến, là cá mòi làm sạch ngâm trong nước gừng sau đó ướp gia vị, phết mật ong kẹp vào vỉ, nướng than hồng. Món thông dụng dễ làm nhất và rất ngon đó là cá mòi rán giòn. Hai món này kẹp với lá lộc sung, lá bứa rừng, tiêu xanh, chấm với nước mắm gừng chanh, tỏi, ớt. Nó vừa ngọt vừa bùi, béo, nhưng không ngậy, thơm ngon, mùi vị rất đặc trưng không có loài cá nào sánh được, chẳng kém gì sơn hào hải vị của thế gian.
Tiếp đến là cá mòi cho thêm ít thịt lợn ba chỉ, lá lốt, ngò gai, hành tăm, nghệ, tiêu, ớt, hành, tỏi… đem xay viên làm chả, cuốn ram cũng thi vị lắm. Gây thương nhớ nhất là món cá mòi kho. Thành phần gồm riềng, nghệ, hành tăm, tiêu ớt, thịt ba chỉ và các gia vị được kho trong niêu đất. Giống kiểu cá kho của làng Vũ Đại và được đun bằng củi nhãn, ít khói, có lửa ngọn, đượm bền và có nhiệt độ ổn định.
Hải cho biết, anh thường làm chả cá mòi và cá kho trong niêu đất để bán và ship đi toàn quốc và ra cả nước ngoài. Theo Hải thì làm thịt cá mòi chỉ dùng kéo lích nhẹ là có thể lấy mang và ruột cá ra hết. Sau khi làm sạch bằng muối mà nước gừng là đem ra chế biến.
Dù chế biến thành món ăn nào thì món ăn từ cá mòi đều toát lên hương vị đặc trưng, chân chất mà quyến rũ, đưa đẩy khẩu vị. Mùi thơm của cá mòi khiến ai thoáng gặp cũng thấy hấp dẫn, ăn một lần khó quên, để rồi lại nhớ mãi, cứ mong đợi mùa xuân về, trích mòi “đến hẹn lại lên” trên dòng Lam yêu dấu.
Tiến Dũng
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.