Ở tuổi xế chiều, tôi vẫn không quên được những đêm bầu trời quê sáng rực pháo sáng, tiếng máy bay Mỹ B52 gầm rú và tiếng bom ùng oàng khi gần khi xa.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Sông Gianh đi qua đời tôicủa tác giả Lương Duy Cường.
Những lúc như thế, dưới hầm chữ A đào giữa sân nhà, mẹ ôm tôi vào lòng, kể chuyện quê hương Lệ Sơn, với những chuyến đò ngang đưa mẹ vượt sông đến nơi làm việc. Mẹ kể nhiều nhất là cái đận phải ôm tôi bỏ chạy khỏi làng, cuối tháng 4/1965. Trận ấy, mấy chiếc tàu bộ đội bị máy bay giặc dồn lên mắc cạn ở đoạn sông làng tôi. Trận chiến diễn ra ác liệt, nước sông đỏ bầm máu. Đoạn sông Gianh ngang qua làng tôi cũng từng là nơi ghi dấu trận thủy chiến oai hùng của nghĩa quân Cần Vương, dưới sự chỉ huy của tướng quân Lê Trực, với hàng trăm tàu chiến Pháp cuối thế kỷ XIX.
Những sáng rét căm, tôi lủi thủi đi bộ theo mẹ vượt đồng đến chợ Cuồi. Chợ nằm ngay mé sông, chỉ họp chút sáng sớm. Mẹ sẽ mua một mớ chắt chắt còn nhể nước từ sông Gianh lên để ở nhà chị em tôi luộc, đãi, thêm mớ rau muống thành bữa ăn ngon.
Trường tôi học cũng ngay mé sông. Tan trường, chúng tôi ùa ra sông. Gái trai cứ thế cởi hết áo quần, ngụp xuống làn nước trong xanh, đùa giỡn thỏa thích. Lớn lên chút nữa là biết lặn xuống đáy sông, đầm mình trong rừng rong mượt như dải lụa mềm để nhổ từng búi mang về cho heo ăn. Những chú cá bống cát tròn lẳn, những con tôm cát xám bạc náu mình rất kỹ trong các búi rong, nhưng chúng tôi vẫn khéo léo chụp được, mang về cho mẹ kho.
Chiến tranh ác liệt, mẹ suốt ngày đêm bám trụ ở xí nghiệp dược để sản xuất thuốc chuyển ra chiến trường. Lũ trẻ chúng tôi thì đợi con nước lên là lao ra sông Gianh, kiên nhẫn ngồi ngóng hàng cứu trợ là những bao bột mì hoặc gạo, nước mắm đóng viên, thảng hoặc sẽ theo dòng nước từ ngoài cửa biển lập lờ trôi lên thượng nguồn. Thích nhất là khi vớt được bao bột mì hoặc bao gạo, vì ngoài cái ăn, chúng tôi còn có bao vải để may quần áo hoặc bao nilon để làm áo mưa, rồi che chắn mái nhà ngay sau khi bom B52 tàn phá.
Hết giặc. Quê tôi thanh bình.
Những sáng sớm, khi tôi tỉnh giấc, tiếng lốc cốc gõ mõ của dân chài lưới vọng từ sông lên. Tôi nhiều lần lao ra khỏi nhà, đến bên bờ sông nhìn những chiếc thuyền thoắt ẩn thoắt hiện trong làn sương sớm. Gió mát rượi từ sông thổi lên kéo theo bình minh ló dạng. Đâu đó có tiếng trẻ khóc, rồi tiếng bà mẹ ngái ngủ ru con: “Bắt lấy tay quân tử mà hỏi thử vài lời/ Ai đào sông cho cá lội, ai chống trời cho chim bay”.
Bản hòa âm thôn dã buổi ban mai trong trẻo theo tôi suốt cuộc đời, như một nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Hòa bình ít lâu, mẹ cùng đàn em theo xí nghiệp dời vào thị xã tỉnh lỵ. Tôi theo cha lên rừng đi xây dựng thị trấn núi Đồng Lê, ở thượng nguồn sông Gianh. Đồng Lê lúc đó chỉ dăm ba dãy nhà của các cơ quan dựng tạm giữa hoang vu đồi sim. Tất tật từ nước mắm, cá, muối đều trông chờ vào dân Kẻ Nôốc từ hạ nguồn lên. Cứ nước lên thì thuyền Kẻ Nôốc sẽ lên với hàng là thực phẩm, nước xuống thì thuyền xuôi dòng mang theo măng, nấm, củ nâu, sắn khoai của núi rừng.
Mua bán mãi với nhau, người lạ cũng thành quen.
Tôi được một người Kẻ Nôốc là ông Bường nhận lời cho theo một chuyến về xuôi. Xuôi là ở đâu, tôi không biết, chỉ biết sẽ có cơ hội được xuôi ngược theo sông.
Sẵn dịp ba đi công tác xa nhà, tôi gửi trâu bò cho đám bạn trông giùm. Hoàng hôn, ông Bường ới tôi rời bến. Lên thuyền, tôi mới biết cả vợ chồng ông cùng đàn con 5 đứa đều sống trên đó.
Thuyền trôi trong đêm. Trăng bàng bạc phả khắp mặt sông. Gió lồng lộng, sóng oàm oạp vỗ khắp mạn thuyền. Thằng con lớn của ông Bường ngồi canh chèo lái. Rạng sáng, thuyền về đến chợ Ba Đồn. Vợ chồng con cái ông Bường hối hả chuyển hàng lên chợ, rồi lại vội vã mua hàng để kịp nước lên là rời bến. Nơi bến sông ấy, ông Bường khai trí cho tôi biết đoạn sông này là ranh giới chia đôi Nam - Bắc của thời Trịnh - Nguyễn phân tranh từ hơn 200 năm, chiến trận kinh hoàng đến độ sách xưa mô tả “xương chất thành đồi, gò, máu chảy thành sông”.
Chuyến ấy tôi no đòn, vì ba về cứ tưởng con bỏ học đi bụi đời. Nhưng nhờ chuyến ấy và thêm vài chuyến nữa, tôi hiểu hơn về dân Kẻ Nôốc. Họ không chỉ chạy hàng như ông Bường, mà còn rất nhiều gia đình sống bằng nghề chài lưới hoặc cào chắt chắt nhờ vào sông Gianh. Họ rất hào hiệp nhưng lênh đênh sông nước, không một miếng đất dung thân.
Lên trung học phổ thông, thị trấn chưa có trường, tôi phải khăn gói quay về hạ nguồn để học.
Trường nằm cạnh bến phà, nối hai bờ sông Gianh bằng dây cáp sắt to bằng bắp tay. Năm thì mười họa sẽ có một chiếc ô tô qua sông, phà lại được một đội công nhân, mỗi người một cây gỗ có khoét rãnh ở đầu, đưa cáp vào cái rãnh ấy mà dìu phà đi. Dù nắng hạn hay mưa bão, những chuyến phà vẫn cần mẫn qua sông.
Những giờ ra chơi giữa buổi học, chúng tôi chạy ào xuống bến phà chỉ để ngắm dòng sông lặng lẽ trôi. Mùa hạ, sông sáng rực lên, lốm đốm đỏ những cánh hoa phượng trên sân trường theo gió hạ cánh xuống mặt nước. Hết mùa hoa phượng, sông tím thẫm màu của những cánh hoa lộc vừng chi chít, miệt mài nối nhau trôi từ thượng nguồn về. Những đàn cá lao lên đùa giỡn với hoa, tiếng đớp mồi lao xao, loang cả mặt sông.
Đôi khi nhớ nhà, chúng tôi sẽ trốn những tiết học còn lại để tự kéo phà qua sông, rồi từ đó nhảy bộ theo đường sắt hơn chục kilomet nữa chỉ để về ăn một bát canh rau mẹ nấu, thỏa cơn thèm của suốt tuần ăn cơm với chai muối rang sả. Rồi chúng tôi lại sẽ cuốc bộ quay lại trường ngay trong đêm, để sáng hôm sau vượt sông kịp giờ vào học.
Những hôm giá lạnh, không đợi phà hay đò ngang, chúng tôi lại đánh trần, gói hết áo quần sách vở vào một túi nilon nhặt được đâu đó, rồi cứ thế lao xuống sông, bơi qua cho kịp giờ vào lớp.
Năm cuối phổ thông, chúng tôi chen nhau giành suất tình nguyện nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên đi biên giới phía Bắc. Bến phà thành nơi lưu luyến cho người đi kẻ ở. Những giọt nước mắt lăn dài trên má hồng nữ sinh và cả những nam sinh thiếu cân nhẹ ký.
Chẳng biết ai đã nghĩ ra chuyện vớt những cánh phượng hồng từ dưới sông lên để xâu chuỗi, quàng vào cổ bạn trai đang hân hoan vì được nhập ngũ. Vậy là cả đám con gái lội ào xuống sông, giành nhau từng cánh hoa phượng, mang lên kết vội thành chuỗi. Có đứa không kết kịp, sợ phà sang sông mất nên gói luôn vào tấm khăn mùi soa, dúi vào ba lô trên lưng thằng bạn nào gần nhất.
Chỉ vài tháng sau là có tin dữ từ chiến trường báo về. Nhiều nữ sinh trốn học, lặng lẽ ra bến phà ngồi khóc. Nhiều đứa ngồi chờ vớt hàng bao hoa phượng, hoa lộc vừng, giấu trong lớp học, chờ tan trường đem về phơi khô, gói vào gối ngủ.
Nhưng sông Gianh không chỉ đầy ắp ký ức ngọt ngào.
Dạo ấy, lũ về. Khác với nhiều năm dân quê tôi mong lũ để có phù sa cho đồng ruộng, năm ấy lũ dâng cao bất ngờ. Vườn ruộng ngập nước bạc. Bác tôi mất. Xóm làng chỉ kịp bơi đến giúp khâm liệm rồi phải lo chạy tìm nơi tránh lũ.
Cả nhà anh tôi ngồi cầu nguyện mong nước rút để tiễn bác đi. Nhưng nước cứ lên, quan tài bác tôi nổi lên đến nóc nhà. Không một tàu cứu hộ nào dám vào vì sợ ngọn tre cuốn chân vịt. Gia đình anh tôi cả 5 người phải phá mái nhà, dìu nhau bơi sang ngọn cây duối còn chút ngọn vật vờ ngoài ngõ, bứt dây neo người lại với nhau để có chết thì không mất xác.
Trận lũ năm ấy quê tôi nhiều người mất, có người bị rác vùi lấp phải mấy tuần sau mới tìm được xác. Bàn thờ chi họ nhà tôi giữ được trên cả trăm năm, cũng bị hà bá cướp mất.
Rồi những cánh rừng phía thượng nguồn mất dần. Lũ về không còn phù sa nữa mà mang theo thứ đất đỏ bầm, kéo theo hàng đàn chuột với sâu bọ. Làng tôi từng tự hào là xứ cam, chanh, mít, bưởi, bỗng chốc vườn tược tan hoang, đến tết lễ cũng không tìm đâu ra một quả cam để thờ cúng ông Bà.
Và chính sông Gianh cũng phải bước vào một đời sống bi thương.
Ấy là khi những mỏ cát bồi tụ dưới lòng sông được phát hiện. Những tàu hút cát, cả có phép lẫn trái phép, ngày đêm thi nhau chọc vòi xuống lòng sông. Nước sông xanh trong thuở nào giờ sôi lên sùng sục, cá tôm và cả chắt chắt dần dần biến mất. Những gia đình Kẻ Nôốc như ông Bường mất kế sinh nhai, quay sang thành “cát tặc”, không biết tự lúc nào.
Rồi bờ bãi lở lói nham nhở không khác gì thời bom đạn. Lòng sông chi chít những hố sâu hun hút, xoáy nước cuộn tròn như những miệng tử thần. Dân quê gửi đơn thư kêu cứu khắp nơi vì sợ một ngày không xa hà bá sẽ nuốt luôn làng quê tôi - nơi vừa được công nhận là Di tích lịch sử “Làng chiến đấu Lệ Sơn”. Ở đó, chúng tôi có mồ mả tổ tiên, có đình làng giếng nước, miếu mạo cha ông tạo dựng qua hàng trăm năm.
Tôi đưa con từ Sài Gòn về thăm quê, hào hứng định đưa con ra sông Gianh ngụp lặn để thưởng thức thú vui ngày nào. Anh tôi gào lên: “Em không sợ à. Chết đầy ra rồi đấy”.
Rồi anh kể ra một loạt vụ con em quê tôi mấy năm qua ra sông tắm, lỡ rơi vào vòng xoáy từ những hố sâu của bọn “cát tặc” mà mãi mãi không về.
Ôi sông Gianh quê tôi. Sông Gianh ngọt ngào. Sông Gianh bi tráng.
Lương Duy Cường
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.