Thực hiện phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, bản Nà Ngần, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La (Sơn La) tích cực thực hiện hoàn thiện các tiêu chí, đặc biệt rất chú trọng tiêu chí về môi trường.

Theo đó, tại các con đường vào bản đều được bê tông hoá, không còn bóng dáng của rác thải nhựa, túi nilon. Đặc biệt, lá cây rụng cũng được người dân gom lại đúng nơi quy định.

Ông Thào A Sùng ở bản Nà Ngần cho hay, trước đây, người dân vùng cao chăn nuôi gia súc thường thả rông và buộc ngay cạnh nhà, ít xây chuồng nuôi; chất thải vật nuôi thường không được xử lý và gia đình ông cũng không ngoại lệ. Thế nhưng từ khi được vận động, tuyên truyền thực hiện xây dựng nông thôn mới, gia đình ông đã bắt đầu giữ gìn vệ sinh môi trường.

anh-chup-man-hinh-2023-11-20-luc-144502-1.png
Khởi công xây dựng công trình Nhà văn hóa xã Chiềng Ngần.

Còn với gia đình chị Thảo Thị Trang cũng ở bản Nà Ngần, gia đình chị canh tác cây cà phê, cây ăn quả như nhãn, xoài trên khu đất có diện tích hơn 1 ha. Khi xuất hiện bệnh trên cây, chị mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện theo đúng quy trình, giảm số lần phun so với trước đây, giảm được chi phí và an toàn hơn. Ðồng thời, chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được phép sử dụng cho từng loại cây, sử dụng nhóm thuốc sinh học đảm bảo thời gian cách ly theo quy định.

Chị Trang chia sẻ, sau mỗi lần đi phun thuốc về, chị đều mang vỏ để vào bể thu gom rác, không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Được biết, cả bản Nà Ngần có 86 hộ, với hơn 300 nhân khẩu, 100% đều là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số hộ người Thái là 71 hộ, người Mông 15 hộ. 

Trước đây, hầu hết bà con không biết cách vệ sinh nhà, đường bản, đôi khi còn vứt rác bừa bãi ra đường. Trước tình trạng đó, chi bộ phân công từng đảng viên phụ trách vệ sinh bản theo nhóm hộ gia đình, mỗi thành viên quản lý từ 8 - 12 hộ; phát động các phong trào thi đua sôi nổi như: thu dọn rác thải, khơi thông cống rãnh, kênh mương, vận động người dân cải tạo, chỉnh trang khuôn viên nhà ở, tạo cảnh quan khu dân cư. Đối với chất thải trong chăn nuôi, tuyên truyền, vận động xây dựng chuồng trại kiên cố, xa nhà ở.

Nhờ vậy, đến nay, người dân trong bản nhà nào cũng có ý thức trong giữ gìn vệ sinh, chung tay cùng bảo vệ môi trường sống. Hiện, người dân bản tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, tập trung vào 2 tiêu chí chưa đạt (thu nhập, môi trường).

Bắt tay vào triển khai xây dựng nông thôn mới năm 2013, xã Chiềng Ngần bộn bề khó khăn khi chỉ đạt 13/19 tiêu chí. Trước thực trạng đó, xã đã lựa chọn khâu đột phá là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo để tạo ra sức bật hoàn thành các tiêu chí khác.

Trong đó, tập trung xây dựng Đề án phát triển kinh tế theo chương trình nông thôn mới trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng, phá bỏ vườn tạp để trồng phát triển cây ăn quả. Đến nay, diện tích cây ăn quả trên 1.200 ha, trong đó: xoài 582,7ha, nhãn 309,5ha, cây ăn quả có múi 15,8ha, thu nhập bình quân của người dân đạt trên 32 triệu đồng/người/năm. 

Kinh tế ổn định, người dân đã chủ động đóng góp xây dựng các công trình có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng để góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. 

Đến hết năm 2019, xã Chiềng Ngần đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 7/2019, xã tiếp tục hướng đến việc xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Cà Văn Yêu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho hay: Xác định tiêu chí về môi trường giữ vai trò quan trọng trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên những năm qua, để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, xã Chiềng Ngần luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trên địa bàn. Đưa tiêu chí môi trường vào quy ước của bản; gắn với việc đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đảng, danh hiệu bản văn hóa, gia đình văn hóa. 

Bên cạnh đó, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về an toàn thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. 

Tăng cường tuyên truyền, vận động đến từng bản, hộ gia đình tích cực tham gia vệ sinh môi trường, không thả rông gia súc; xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, hợp vệ sinh; không vứt rác và xác động vật xuống ao, hồ, sông, suối.

Thông qua tuyên truyền, vận động, người dân đã dần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Hàng tuần, thứ bảy, chủ nhật, tất cả các hộ dân trong thôn lại tập trung cùng nhau dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc đường hoa, cây cảnh, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt…

Minh Thuý, và nhóm PV, BTV