Đó là thông tin được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu thông báo với báo chí, sau khi địa phương này vừa hoàn tất việc chuyển giao kết quả Dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Trước đó theo báo cáo khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, tại vùng biển tỉnh Sóc Trăng đã khoanh định được 6 vùng (ký hiệu B1-B6) phân bố cát có khả năng làm vật liệu xây dựng khoảng 13,9 tỷ m3, nhưng chưa được đánh giá, thăm dò, khai thác sử dụng. Trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án tại Quyết định số 3694/QĐ-BTNMT, ngày 26/12/2022 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 555/QĐ-BTNMT, ngày 14/3/2023.
Theo đó Dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Cục Địa chất Việt Nam chủ trì thực hiện, với tổng kinh phí 116,5 tỷ đồng; phạm vi thực hiện dự án là vùng biển tỉnh Sóc Trăng, gồm khu B1 (250km2) và khu B2-B4 (1.250km2). Dự án triển khai thực hiện từ năm 2023-2024; trong đó năm 2023 đã hoàn thành đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực khu B1 và triển khai một số công tác đánh giá khoáng sản tại khu vực B2-B4.
Ngay sau khi có kết quả dự án “Đánh giá tài nguyên cát biển phục vụ các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, mục tiêu dự án là đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng kịp thời về nguồn vật liệu san lấp và cát xây dựng cho các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu vực cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“Trong báo cáo khảo sát chỉ rõ, diện tích B1 đủ điều kiện chuyển giao cho đơn vị khai thác theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đơn vị khai thác phải sử dụng công nghệ khai thác hợp lý, bảo đảm giảm thiểu thiệt hại đối với môi trường và nuôi trồng thủy sản trong khu vực. Quá trình khai thác cần thực hiện công tác quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường khu vực biển Sóc Trăng và các tỉnh lân cận, đăng ký công suất khai thác, chỉ khai thác đến độ sâu 3m, nếu xảy ra tác động môi trường phải ngừng việc khai thác”, ông Lâu dẫn báo cáo.
Cũng theo ông Lâu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý địa phương rằng, cát khai thác chỉ được sử dụng phục vụ công trình đã đăng ký và chỉ khai thác đủ trữ lượng sử dụng… “Tỉnh Sóc Trăng rất vui mừng khi được bàn giao kết quả dự án. Sóc Trăng chưa có kinh nghiệm khai thác cát biển nên đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn cho tỉnh về các quy trình, hồ sơ, thủ tục đảm bảo việc khai thác cát trong thời gian sớm nhất. Sóc Trăng sẵn sàng chia sẻ tài nguyên cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc khai thác khi hồ sơ, thủ tục, cơ sở pháp lý cho việc khai thác được bảo đảm”, đồng chí Trần Văn Lâu cho biết thêm.
Trước đó trong buổi làm việc với tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Duy Lâm cho biết, qua khảo sát cát biển tại Sóc Trăng cho thấy, nguồn cát biển dùng để đắp nền tại đây dồi dào và có thể đáp ứng được cho các dự án cao tốc. Trong đó cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (cao tốc trục dọc) có thể sẽ được sử dụng cát biển khai thác tại Sóc Trăng để bổ sung lượng cát thiếu hụt hiện nay. Ngoài ra, tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (cao tốc trục ngang) sẽ cần khoảng 39 triệu m3 cát cũng có thể được tính đến nếu điều kiện khai thác cho phép.