Đó là chuỗi hoạt động do Sở TT&TT (UBND tỉnh Quảng Nam) vừa công bố hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10.
Khánh thành Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh
Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh (DC), Mạng diện rộng (SDWAN) và Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) (gọi chung là Trung tâm tích hợp dữ liệu) sẽ khánh thành ngày 9/10 và đưa vào vận hành nhằm nâng cấp hạ tầng Trung tâm dữ liệu tỉnh, đảm bảo năng lực triển khai Chính quyền số và đô thị thông minh tại tỉnh Quảng Nam, đóng vai trò nền tảng, kết nối các hệ thống thông tin giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; đồng thời sẵn sàng chia sẻ, liên thông, kết nối với các hệ thống thông tin của các tỉnh, thành, bộ ngành thông qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương.
Trung tâm tích hợp dữ liệu là công trình thuộc dự án Xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025. Công trình được thi công trong 270 ngày (bắt đầu từ tháng 1/2023), đặt tại tầng 6 Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh. Tổng kinh phí thực hiện công trình là 249 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương, do Sở TT&TT làm chủ đầu tư.
Đây là nơi tập trung toàn bộ hệ thống mạng, hệ thống máy chủ phục vụ triển khai các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn toàn tỉnh. Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được tập trung tại trung tâm nhằm đảm bảo khả năng bảo vệ các ứng dụng, dịch vụ, dữ liệu dùng chung, cũng như tránh tình trạng phát triển ứng dụng, dịch vụ manh mún, riêng lẻ tại các cơ quan, đơn vị.
Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh phát triển các hạ tầng gồm hạ tầng số và nền tảng số. Trong đó phát triển hạ tầng số tập trung nâng cấp hạ tầng trung tâm dữ liệu tỉnh, đảm bảo năng lực triển khai chính quyền số và đô thị thông minh. Nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng WAN của tỉnh kết nối đến cấp xã. Phát triển nền tảng số sẽ xây dựng kho cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Quảng Nam, xây dựng bộ Cơ sở dữ liệu mở, Cổng dịch vụ dữ liệu mở của tỉnh… Đồng thời sẵn sàng liên thông, chia sẻ, kết nối với các hệ thống thông tin của các tỉnh, thành, bộ, ngành... thông qua hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở trung ương và địa phương.
Mô hình tổng thể của Trung tâm tích hợp dữ liệu bao gồm:
Trung tâm tích hợp dữ liệu chính (DC) là nơi tập trung toàn bộ hệ thống mạng, hệ thống server máy chủ phục vụ triển khai các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn toàn tỉnh. Đảm bảo năng lực triển khai Chính quyền số và đô thị thông minh (IOC) tại tỉnh Quảng Nam, đóng vai trò nền tảng ứng dụng, nền tảng kết nối các hệ thống thông tin (HTTT) giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Đồng thời sẵn sàng liên thông, chia sẻ, kết nối với các hệ thống thông tin của các tỉnh, thành, bộ, ngành khác thông qua Hệ thống kết nối, liên thông các HTTT ở Trung ương và địa phương. Tích hợp kết nối với các HTTT được nâng cấp theo kiến trúc chính quyền điện tử phục vụ cải cách hành chính.
Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) phục vụ phát hiện sớm, cảnh báo sớm và điều phối, xử lý sớm các nguy cơ, sự cố an toàn thông tin trên địa bàn toàn tỉnh cũng như phối hợp với các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin trên địa bàn cả nước. Triển khai các hệ thống giám sát, bảo vệ cơ sở tại các địa điểm giám sát chính, phục vụ hỗ trợ giám sát và bảo vệ các hệ thống công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; Kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu về an toàn thông tin với Cục An toàn thông tin và các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin trên cả nước...
Hệ thống được kết nối vào hạ tầng mạng của Trung tâm dữ liệu và kết nối tới hơn 100 điểm hệ thống mạng của HĐND/UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành thông qua môi trường mạng diện rộng SD-WAN toàn tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm giám sát an toàn thông tin tập trung của tỉnh sẽ thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu an toàn thông tin liên quan cũng như tiếp nhận các thông tin cảnh báo theo quy định với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng Quốc gia (NCSC) thông qua các kết nối tập trung (LGSP-NGSP) hoặc phân tán (DXL).
Thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số
Cuộc thi Tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam năm 2023 do Sở TT&TT chủ trì phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam và các ngành, địa phương liên quan tổ chức khai mạc lúc 7h30 ngày 10/10.
Cuộc thi Tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh (gọi tắt là Cuộc thi) được cơ cấu 4 phần thi, bao gồm: Chào hỏi, Sáng tạo số, Kỹ năng số và Tăng tốc số. Trong đó, phần thi Sáng tạo số là cơ hội để các đội thi thuyết trình về mô hình hoặc cách làm hay, hiệu quả trong lĩnh vực chuyển đổi số và cải cách hành chính của địa phương mình. Cạnh đó ở phần thi Kỹ năng số và Tăng tốc số cũng thể hiện kiến thức của các đội thi về chuyển đổi số và cải cách hành chính.
Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số trên sóng truyền hình. Thông qua cuộc thi này nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên về thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số một cách đồng bộ, hiệu quả trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận trong các cấp Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới
Hội thảo khai mạc ngày 10/10, sẽ thu hút khoảng 200 đại biểu đến từ Trung ương và địa phương tham dự.
Những nội dung sẽ được trình bày tại hội thảo bao gồm: Chiến lược dữ liệu số quốc gia và định hướng phát triển dữ liệu số tỉnh Quảng Nam); Lộ trình phát triển dữ liệu số thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; Vai trò của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và định hướng khai thác dữ liệu dân cư trên địa bàn tỉnh ; Kết quả xây dựng CSDL đất đai trên địa bàn tỉnh và định hướng chia sẻ dữ liệu nền địa lý của tỉnh trong thời gian tới; Giải pháp phát triển dữ liệu ngành Y tế trong thời gian tới; Tình hình triển khai đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Tam Kỳ...
Hội thảo góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho toàn xã hội về chuyển đổi số, đặc biệt là vai trò của dữ liệu số trong chuyển đổi số và ý nghĩa của Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10. Đồng thời, góp phần làm rõ hơn các nội dung, yêu cầu, định hướng về phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, từ đó, có cơ sở lập kế hoạch triển khai đảm bảo tính khả thi và thống nhất, đem lại hiệu quả cao nhất trong công tác chuyển đổi số.