Thống kê của SIPRI cho hay, vào tháng 1/2023, các quốc gia như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel có tổng cộng khoảng 12.512 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 9.576 đầu đạn nằm trong kho có khả năng sử dụng, tăng 86 đầu đạn so với tháng 1/2022.

Đồng thời, SIPRI lưu ý, khoảng 2 nghìn đầu đạn (hầu hết thuộc về Nga và Mỹ) đang ở trong “tình trạng báo động cao”.

Trong số các quốc gia dẫn đầu về số lượng đầu đạn được triển khai vào đầu năm 2023, báo cáo của SIPRI ghi nhận Mỹ với 1.770 đầu đạn và Nga với 1.674 đầu đạn. Cùng với đó, cả hai quốc gia này sở hữu khoảng 90% tổng số vũ khí hạt nhân trên thế giới. Tiếp theo là Pháp và Anh với lần lượt 280 và 120 đầu đạn.

Ảnh: RIA Novosti

Theo SIPRI, năm 2022 quy mô kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ vẫn “tương đối ổn định”. Tuy nhiên, ngoài kho dự trữ vũ khí hạt nhân có thể sử dụng được, cả hai cường quốc này còn có hơn 1.000 đầu đạn trước đó đã rút khỏi biên chế quân đội và đang được loại bỏ.

Quy mô kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, theo ước tính của SIPRI đã tăng từ 350 lên 410 đầu đạn. Báo cáo cũng cho biết, Trung Quốc có thể tăng số lượng vũ khí hạt nhân lên tương đương so với Mỹ và Nga trước khi thập kỷ này kết thúc.

Cũng theo SIPRI, Vương quốc Anh, quốc gia không tăng kho vũ khí hạt nhân vào năm 2022, cũng có khả năng tăng kho dự trữ đầu đạn. Kết luận này được đưa ra trên cơ sở tuyên bố của chính phủ Anh vào năm 2021 về việc tăng giới hạn từ 225 lên 260 đầu đạn.