Chiều 16/1, tại hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nguyễn Vũ Hải cho biết, vừa qua, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm địa phương bị cơ quan công an điều tra, khởi tố về các vi phạm trong công tác kiểm định xe cơ giới. Qua đó đã bộc lộ nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

"Việc xử lý nghiêm các vi phạm của cá nhân, đơn vị đăng kiểm có tác dụng tốt trong việc duy trì kỷ cương làm việc, giáo dục và củng cố đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ, giúp nâng cao chất lượng hoạt động đăng kiểm”, ông Nguyễn Vũ Hải nói.

Phó Cục trưởng phụ trách Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Vũ Hải. (Ảnh: Anh Hùng)

Chia sẻ tại hội nghị, ông Khuất Duy Thịnh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 5005V (TP.HCM) cho biết, việc Công an TP.HCM bắt giữ, khám xét, tạm đóng cửa nhiều trung tâm đăng kiểm khiến hoạt động gián đoạn.

Điều này dẫn đến tình trạng những dây chuyền còn lại không đáp ứng được nhu cầu đăng kiểm của người dân. Có những chủ phương tiện đăng kiểm 2-3 ngày mới làm được, thậm chí có người đăng ký cả tuần mới đến lượt.

“Chúng tôi phải làm thêm giờ, làm cả ngày nghỉ, thường từ 6h sáng đến 20h đêm. Chu trình này diễn ra trong cả tháng nên gặp rất nhiều khó khăn”, ông Thịnh cho hay.

Theo ông Thịnh, do thiếu đăng kiểm viên (công an tạm giữ) nên không có người để nghỉ luân phiên. Đăng kiểm viên gần như không được nghỉ, hầu hết làm việc trong tình trạng lo lắng.

“Nhiều nhân viên bị ốm xin phép nghỉ nhưng không được vì không ai làm thay”, lời ông Thịnh.

Đặc biệt, do nhiều giám đốc trung tâm đăng kiểm bị bắt giữ nên thiếu lãnh đạo, hoạt động bị đình trệ, nhiều đăng kiểm viên chưa được nhận lương, thưởng Tết.

Vì vậy ông Thịnh đề nghị Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT điều động bổ sung thêm đăng kiểm viên và có phương án tháo gỡ các vướng mắc.

Trong khi đó, ông Cao Văn Tư, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 2904V (Hà Nội) cho biết, trung tâm đang làm vượt quá 110 - 150% công suất. Trước đây mỗi ngày trung tâm kiểm định khoảng 40 phương tiện nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 100. Một số đăng kiểm viên phải biệt phái vào TP.HCM.

“Nguồn nhân lực đang thiếu, nhiều người sợ không dám nghỉ ốm. Kiến nghị lãnh đạo Bộ, Cục quan tâm để làm sao đội ngũ đăng kiểm viên có động lực làm việc, phục vụ nhân dân", ông Tư nói.

Sẽ sớm "bịt" lỗ hổng trong đăng kiểm

Sau những sai phạm trong đăng kiểm, theo ông Nguyễn Vũ Hải, trong năm 2023 Cục sẽ rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong công tác kiểm định xe cơ giới. Từ đó có đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường công tác quản lý, siết chặt hơn nữa các điều kiện, quy định trong công tác kiểm định, điều chỉnh lại những điều còn bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi đi kiểm định.

Trong năm tới Cục Đăng kiểm sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định qua camera, kiểm soát dữ liệu kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm…

Tiếp tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên xe cơ giới.

Đồng thời, nghiên cứu, nâng cấp, hiện đại hóa công tác đăng kiểm và áp dụng các công nghệ mới trong kiểm định (nhận diện biển số, đo kích thước xe tự động, kiểm tra khí thải…) để nâng cao chất lượng kiểm định và chặt chẽ trong quản lý.

Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 30/11/2022, cả nước có 5.019.788 phương tiện được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Số lượt phương tiện kiểm định năm 2022 là 4.504.672 lượt.

Cục đã cấp 20 giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định cho các đơn vị kiểm định; thực hiện 251 lượt kiểm tra, đánh giá định kỳ duy trì các điều kiện hoạt động kiểm định các trung tâm đăng kiểm.

Kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động đăng kiểm an toàn khí thải và bảo vệ môi trường tại 50 đơn vị đăng kiểm. Qua đó, xử lý 11 đăng kiểm viên, đình chỉ hoạt động 2 tháng đối với 1 trung tâm đăng kiểm, không công nhận kết quả thực tập đối với 5 đăng kiểm viên.