Chỉ vài ngày sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, một loạt tập đoàn phương Tây đã bắt đầu rút khỏi thị trường Nga. Ngoài ra, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) còn ban hành hàng loạt lệnh cấm xuất khẩu và nhập khẩu đối với hàng hóa từ Nga.
Tờ New York Times trích dẫn các báo cáo tài chính cho hay, các công ty bán bớt tài sản tại Nga đã mất tổng cộng 103 tỷ USD. Tờ báo cho biết thêm, những công ty này cũng đã phải nộp ít nhất 1,25 tỷ USD tiền thuế xuất cảnh cho chính phủ Nga.
Tính đến tháng 3/2022, các công ty phương Tây muốn bán tài sản tại Nga phải được một ủy ban của Nga phê duyệt. Ủy ban này thường đảm bảo cho người mua tại Nga sẽ mua được với giá hời.
Cụ thể, tờ New York Times cho biết ủy ban của Nga đã không cho Honeywell, công ty điện tử của Mỹ, bán các nhà máy tại Nga cho đến khi công ty đồng ý bán với giá chiết khấu 50%. Kể từ đầu năm nay, các công ty phương Tây bị ràng buộc về mặt pháp lý phải bán tài sản của mình ở Nga với mức giảm 50%.
"Nói chung, Tổng thống Vladimr Putin đã giám sát một trong những vụ chuyển giao tài sản lớn nhất ở Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Lượng lớn các ngành công nghiệp như thang máy, lốp xe, sơn công nghiệp và nhiều ngành khác đang nằm trong tay các công ty Nga, và ngày càng chiếm ưu thế", tờ New York Times nhận định.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov chia sẻ với New York Times rằng, “những người rời đi đang để mất vị trí của họ. Và tất nhiên, tài sản của họ đang được mua với giá chiết khấu cao, và được các công ty của Nga tiếp quản, họ đang làm chuyện đó một cách vui vẻ”.