VietNamNet ghi lại quá trình các kiểm nghiệm viên phát hiện chất có nguy cơ gây ngộ độc trong mẫu thực phẩm tại khoa Độc học và dị nguyên - Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (thuộc Bộ Y tế), tháng 4/2024.
Viện có 7 labo, gồm 5 labo khối hóa (về chất dinh dưỡng, kim loại, chất bổ dưỡng, chất tồn dư, độc chất và chất ô nhiễm) và 2 labo khối sinh. Để tìm ra sớm nhất tác nhân chính xác nhất gây ngộ độc thực phẩm, tùy theo tính chất phức tạp của từng vụ việc, cơ quan có thể huy động toàn bộ labo cùng phân tích mẫu.
Trong các vụ ngộ độc thực phẩm, mẫu thực phẩm sau khi được tiếp nhận sẽ được mã hóa, chuyển sang bộ phận lưu mẫu, bảo quản và xử lý đồng nhất mẫu (ví dụ: thịt phải xay, thực phẩm chức năng được cắt nhỏ...) rồi gửi đến labo khoa Độc học và dị nguyên (thuộc khối hóa) để xét nghiệm phát hiện độc tố, độc chất, chất gây dị ứng trong thực phẩm. Để bắt đầu quá trình, kiểm nghiệm viên phải chuẩn bị hóa chất.
Labo khoa Độc học và dị nguyên gồm 7 kiểm nghiệm viên. Sau khi chuẩn bị hóa chất, nhân viên y tế sẽ phối trộn hóa chất theo tỷ lệ.
Thao tác trộn cần được thực hiện tỉ mỉ, cẩn thận để đảm bảo an toàn cho người thực hiện.
“Làm sao để cho kết quả nhanh nhất và chính xác nhất” là áp lực lớn nhất mà các kiểm nghiệm viên tại đây luôn thường trực khi tiếp nhận bất kỳ vụ ngộ độc thực phẩm nào. Tại Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia luôn có ê-kip trực ngộ độc, tiếp nhận mẫu và tiến hành kiểm nghiệm. Quy trình thực hiện kể cả ngoài giờ, cuối tuần hay ngày lễ, Tết. Trong ảnh, các kiểm nghiệm viên phối trộn dung môi vào mẫu thực phẩm chuẩn bị sẵn.
Tùy chỉ tiêu, nhanh nhất trong 2 giờ từ khi mẫu được tiếp nhận, kiểm nghiệm viên có thể trả kết quả. Tuy nhiên, không phải mẫu thực phẩm nào cũng trả được kết quả nhanh như thế, điều này phụ thuộc vào điều kiện và chỉ tiêu phân tích. Trung bình thời gian trả kết quả giao động từ 1-2 ngày. Nếu tình huống không gấp, tùy tính chất, chỉ tiêu, mẫu có thể được trả kết quả từ 3-10 ngày.
Với trường hợp mẫu thực phẩm gây ngộ độc cần được ưu tiên xử lý để cấp cứu người bệnh, trong 2-3 giờ, kiểm nghiệm viên có thể báo kết quả sơ bộ cho bác sĩ lâm sàng/bệnh viện/khách hàng gửi mẫu.
Năm 2023, Khoa Độc học và dị nguyên tiếp nhận khoảng 26.000 mẫu, tương đương mỗi ngày hơn 70 mẫu thực phẩm được tiếp nhận, xử lý. Khi xảy ra bất kỳ vụ nghi ngộ độc thực phẩm nào, "lấy được mẫu thực phẩm có liên quan trực tiếp" là niềm mong mỏi lớn nhất của các kiểm nghiệm viên ATTP. Trong ảnh, nhân viên y tế đang thao tác để mẫu thực phẩm được phân tán đều trong dung môi.
Nhân viên y tế đang chuyển mẫu vào thiết bị ly tâm, tốc độ 6.000rpm trong 5 phút tách dịch chiết.
Trong trường hợp nền mẫu phức tạp, các nhân viên phải tiến hành thủy phân mẫu với thời gian và nhiệt độ thích hợp.
Mẫu sau xử lý sẽ chuyển phân tích trên thiết bị LC-HRMS để sàng lọc độc chất, sau đó được chuyển sang vial 2ml và đặt vào khay đựng mẫu trong thiết bị LC-HRMS.
“Nhiều vụ việc, mẫu thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc dù có được nhưng kiểm nghiệm viên vẫn không xác định được nguyên nhân chính xác, buộc phải về trực tiếp cơ sở xảy ra vụ việc để truy tìm nguyên nhân”, Tiến sĩ, dược sĩ Trần Cao Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, cho biết. Khi đó, những “điều tra viên” đặc biệt phải quan tâm khai thác các yếu tố dịch tễ khác.
Thiết bị LC-HRMS được kết nối với hệ thống máy tính. Kiểm nghiệm viên điều khiển phần mềm phân tích mẫu và phần mềm phân tích dữ liệu, từ đó phát hiện chất có nguy cơ gây ngộ độc hóa học trong mẫu thực phẩm.
Việc sớm trả lời kết quả xét nghiệm khẳng định rất quan trọng, giúp quá trình điều trị của bác sĩ lâm sàng đúng hướng, đặc biệt với những trường hợp có hóa chất mới trong thực phẩm. Không chỉ vậy, tìm ra chính xác nguyên nhân còn là cơ sở, bằng chứng khoa học vững chắc để cơ quan chức năng cảnh báo cộng đồng, từng bước tiến hành xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan.