XEM VIDEO:

Chiều 30/5, tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao tiến độ lập quy hoạch quá chậm so với quy định. 

Hàng loạt câu hỏi vì sao?

Ông Cường đặt ra hàng loạt băn khoăn: “Vì sao quy hoạch cấp dưới đã được phê duyệt có nguy cơ phải điều chỉnh vì không phù hợp với quy hoạch cấp trên? Nếu phải thay đổi thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù cho nhà đầu tư? Vì sao một số chỉ tiêu quy hoạch ngành vừa được phê duyệt rất công phu, khi các tỉnh lập quy hoạch lại thấy không phù hợp?”.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội)

Theo đại biểu, nguyên nhân không phải do khiếm khuyết của Luật Quy hoạch, mà là do hiểu chưa đúng cách thức tiến hành quy hoạch tích hợp nên còn lúng túng, thậm chí còn chỉ đạo làm sai lệch bản chất Luật Quy hoạch theo phương thức tích hợp.

Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân phân tích, quy hoạch tích hợp không phải đơn thuần chỉ là việc ghép nội dung từ nhiều quy hoạch riêng lẻ thành một bản quy hoạch chung. Các nội dung và chỉ tiêu trong quy hoạch tích hợp phải được liên kết với nhau theo cả chiều dọc (cấp trên, cấp dưới) và theo chiều ngang theo không gian lãnh thổ.  

Đại biểu đề xuất, việc trao đổi thông tin quy hoạch giữa các cấp sẽ thực hiện theo chu trình “hai xuống một lên” theo ba bước. 

Cụ thể, bước 1 là giao chỉ tiêu hướng dẫn, dựa vào chiến lược phát triển quốc gia để dự thảo các chỉ tiêu quy hoạch quốc gia sau đó phân bổ chỉ tiêu hướng dẫn cho các ngành và các vùng. Bước 2 là báo cáo chỉ tiêu lên. Bước 3 là giao chỉ tiêu quy hoạch.

Cấp Quốc gia tổng hợp báo cáo của các ngành và các vùng để cân đối, ấn định các chỉ tiêu quy hoạch quốc gia, rồi thông báo chỉ tiêu quy hoạch đến các ngành và vùng. 

Từ đó, các ngành và vùng cân đối trong ngành và vùng và ấn định chỉ tiêu quy hoạch, rồi thông báo chỉ tiêu quy hoạch xuống cấp tỉnh. Cuối cùng, các tỉnh cân đối nguồn lực và ấn định chỉ tiêu quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, Nghị quyết 751 của Thường vụ Quốc hội khóa XIV lại quy định là có thể làm đồng thời, và cho phép quy hoạch nào làm xong trước thì phê duyệt trước. Chính vì vậy, các cơ quan có chức năng làm quy hoạch của các bộ ngành trung ương bỏ lại nhiệm vụ xây dựng quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng, đổ xô xuống làm tư vấn quy hoạch cho các tỉnh. 

Quy hoạch của các tỉnh được duyệt trước, đến khi xây dựng quy hoạch vùng chỉ là phép cộng cơ học các phương án quy hoạch của các tỉnh trong vùng lại với nhau, và quy hoạch quốc gia lại là phép cộng cơ học quy hoạch các vùng. 

“Điều này sẽ đi ngược với nguyên tắc đặt ra trong Luật Quy hoạch là quy hoạch cấp dưới phải căn cứ vào quy hoạch cấp trên”, ông lưu ý

Đại biểu bày tỏ rất mừng khi gần đây Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ở Trung ương phải tập trung thực hiện nhiệm vụ quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Các quy hoạch này cần phải làm song song với quy hoạch của các tỉnh.

Nghiên cứu một bộ luật mới 

Là một trong những bộ được Chính phủ giao nhiệm vụ quy hoạch về sử dụng đất đai (1 trong 3 quy hoạch quốc gia), Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà ghi nhận, các ý kiến đại biểu nêu đều hết sức xác đáng. 

“Về kinh nghiệm thế giới, lý luận thực tiễn chúng tôi cho rằng việc đưa ra quy hoạch kể cả cấp tỉnh, rồi quy hoạch cấp quốc gia mà để tích hợp các quy hoạch là một điều rất khó khăn về kỹ thuật. Với một bộ cung cấp toàn bộ dữ liệu thông tin địa lý quốc gia làm cơ sở nền tảng để tích hợp, chúng tôi cho rằng chưa thể thực hiện được”, Bộ trưởng nhìn nhận, đây là vấn đề bất cập.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà

Bộ trưởng cho rằng, quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác đều là những quy hoạch tích hợp. Trong quy hoạch có phần ổn định và có phần thay đổi, phần cứng và phần mềm, tĩnh và động.

“Khi chúng ta đưa tất cả mục tiêu và các dự án phát triển lên tích hợp là chúng ta đi ngược lại vấn đề. Đó là vấn đề để đảm bảo tính sáng tạo, tính phát triển của các vùng, các địa phương, các doanh nghiệp”, tư lệnh ngành TN-MT nói. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Nghị quyết 751/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tháo gỡ trong bối cảnh khó khăn khi tổ chức, thực hiện Luật Quy hoạch. Nghị quyết này đã tháo gỡ những khó khăn về mặt kỹ thuật, để giải quyết những vấn đề mới. 

Bộ trưởng TN-MT bày tỏ đồng tình với đại biểu Hoàng Văn Cường, quy hoạch phải tiếp cận theo hướng đồng thời “hai xuống một lên” theo ba bước.

“Cá nhân tôi với tư cách Bộ trưởng ở nhiệm kỳ này luôn cho rằng luật để quản lý quy hoạch là hết sức cần thiết, không thể xem xét cả rừng quy hoạch thế này. Chúng ta cần có sự quản lý các quy hoạch, phải tích hợp các quy hoạch để các quy hoạch đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa đồng bộ chứ không phải chúng ta tích hợp tất cả quy hoạch làm một, cả nước chỉ có một quy hoạch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với tư cách cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tha thiết đề nghị Quốc hội nên ra nghị quyết tập trung giải quyết một số vấn đề rất khó khăn hiện nay đang hạn chế đến phát triển. “Đồng thời chúng ta sẽ tập trung nghiên cứu một bộ luật, xác định tên, nội hàm, phạm vi”, Bộ trưởng đề nghị. 

Quy hoạch sao chụp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng, quy hoạch là một trong những lĩnh vực khó và đặc biệt quan trọng. Với lĩnh vực “cực quan trọng” và “cực khó” nhưng lại có nhiều vướng mắc. 

Đại biểu nêu hàng loạt bất cập như tình trạng tỉnh nào cũng có chuyện cơ sở vật chất, con người hạn chế dẫn đến chuyện sao chụp, thậm chí là gọi điện để lấy thông tin, không xuống tận nơi, đo ở trên bản đồ vệ tinh... để lấy thông tin lập quy hoạch. 

“Thế nên chất lượng chắc chắn không bảo đảm. Đại biểu nghi ngờ về chất lượng là có cơ sở”, ông Hạ nhận định.

Trong khi đó, kinh phí rất hạn chế, một lĩnh vực quan trọng như vậy mà kinh phí dành cho đầu tư quá ít. Thời gian thì thúc ép, phải chạy theo tiến độ, chạy theo thời gian nếu không thì đình trệ, ách tắc tất cả, không triển khai được, đặc biệt là các dự án đầu tư.

Đại biểu Tạ Văn Hạ một lần nữa bày tỏ “rất băn khoăn về chất lượng của quy hoạch”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục băn khoăn về giải pháp “đề nghị cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành”.

Theo ông, rõ ràng đây là một khoảng trống pháp lý. Bởi một nhà nước pháp quyền mà không áp dụng quy định của pháp luật đã ban hành thì căn cứ vào đâu, cơ sở nào để lập các quy hoạch đó.

Thu Hằng - Trần Thường - Hồng Nhì

“Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường”

“Có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường”

ĐB Trần Việt Anh nêu các dự án đô thị được điều chỉnh quy hoạch phát sinh rất nhiều bất cập, có những dự án sau điều chỉnh dân số tăng thêm gần 1 phường.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mưa lớn vào một thời điểm thì không hệ thống nào chống chịu được

Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng cần có giải pháp đồng bộ từ công tác dự báo, đến quy hoạch, thiết kế các đô thị.
Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm, Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân

Quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm, Quốc hội chỉ rõ nguyên nhân

Theo kết quả giám sát tối cao, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm khi đến nay mới có 7/111 quy hoạch được quyết định, phê duyệt.