Chiều 24/5, thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), nhiều đại biểu quan tâm đến quy định “dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ”.

Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng đề cập đến việc dự luật mô tả “dao có tính sát thương là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn có chiều dài từ 20cm trở lên hoặc dao dưới 20cm nhưng được hoán cải có công năng sử dụng tương tự dao có tính sát thương cao”.

“Tôi cho là quy định này chưa bao quát, chưa hợp lý. Với mô tả này trên thực tế có rất nhiều loại dao dùng trong sinh hoạt hằng ngày ở gia đình và trong lao động sản xuất của người dân cũng có thể là vũ khí thô sơ”, ông Hùng phân tích.

Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ quy định này để đảm bảo tính khả thi và cần phân biệt rõ dao được coi là vũ khí có tính sát thương cao với dao dùng cho lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày.

Từ đó có cơ chế quản lý phù hợp, khả thi, tránh gây khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống hằng ngày của người dân.

Thieutuong-Huu.jpg
Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1. Ảnh: Hoàng Hà

Cùng mối quan tâm, Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1 (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, quy định về dao có tính sát thương như dự luật thì trên thực tế có rất nhiều loại. Vì vậy cần đưa ra khái niệm cho chính xác chứ không thể nói là “dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn” được.

“Con dao phay cũng có thể trở thành vũ khí hay cái cuốc trong vụ sát hại ở Thái Nguyên cũng vậy, chẳng lẽ không phải là vật dụng có tính sát thương cao?”, ông Hữu dẫn chứng và đề nghị phải đưa ra khái niệm chính xác, thống kê danh mục đầy đủ.

Dùng dao có tính sát thương cao để sản xuất, sinh hoạt thì không xem là vũ khí thô sơ

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội đồng tình với quan điểm của dự thảo Luật khi bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ.

Theo ông Trung, trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Dự thảo Luật cũng quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

W-Trung GDCAHC 1.jpg
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Giám đốc Công an TP Hà Nội dẫn chứng, ngay ở Hà Nội cũng có nhiều ví dụ điển hình cho thấy sự vướng mắc của quy định hiện hành và cần phải sửa luật, bổ sung quy định trên.

Thực tế, có nhiều vụ các đối tượng thanh niên ở các khu vực cửa ngõ Thủ đô, kể cả các tỉnh lân cận, nhiều đối tượng chỉ 15 - 16 tuổi chạy xe máy rú ga, nẹt pô, mang theo dao, kiếm, dao phóng lợn kéo lê trên đường… nhưng rất khó xử lý. Cùng lắm là xử tội gây rối trật tự với điều kiện là đối tượng từng bị xử phạt vi phạm hành chính rồi.

"Vì vậy, nếu bổ sung quy định như dự thảo Luật sẽ xử lý được các đối tượng vi phạm ở độ tuổi này", ông Trung nhấn mạnh.

Giám đốc Công an TP Hà Nội cũng đồng tình với việc nhiều đại biểu chỉ ra dự luật cần quy định theo tính năng, động cơ, mục đích dùng dao; phải chứng minh được cùng là con dao ấy nhưng mục đích sử dụng khác nhau.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, vũ khí thô sơ như dự luật quy định là muốn nói về cách sản xuất, chế tạo đơn giản.

“Đưa dao có tính sát thương vào vũ khí thô sơ đã hợp lý chưa? Tôi nghĩ đưa vào vũ khí là đúng, nếu chiếu theo khái niệm về vũ khí. Loại dao có tính sát thương cao, có loại chế tạo rất thô sơ nhưng có những loại làm cũng kỳ công lắm, bằng những chất liệu rất đặc biệt”, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.

W-trangquangphuong.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: Hoàng Hà

Ông Phương đề nghị dự luật cần đưa rõ khái niệm "dao có tính sát thương cao" là cái gì, dùng để làm gì? Nếu dùng để sản xuất, sinh hoạt lại không phải phạm vi điều chỉnh của dự luật này.

“Khó ở chỗ bây giờ phân biệt dùng lúc nào, mục đích để làm gì. Có ông bỏ dao vào cốp xe, chưa có hành vi gì cả dù trong suy nghĩ họ đã dự định dùng để làm gì, thì cũng không phân biệt được. Vì vậy cần khái niệm quy định như thế nào cho rõ, thuận tiện trong công tác quản lý", Phó Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nên thống nhất chỉnh sửa nhóm khái niệm này. 

Lý do Bộ Công an đề xuất dao là vũ khí thô sơ

Lý do Bộ Công an đề xuất dao là vũ khí thô sơ

Sau hàng loạt vụ thanh niên mang “phóng lợn” diễu phố và tội phạm dùng dao gây án, Bộ Công an đề xuất bổ sung dao vào danh mục vũ khí thô sơ để quản lý, ngăn chặn các nguy cơ gây mất an ninh trật tự.