Sáng 20/6, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Phòng thủ dân sự. Một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận về luật này đó là việc lập Quỹ Phòng thủ dân sự trước khi có thảm họa, sự cố.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, trên cơ sở ý kiến ĐBQH tại phiên thảo luận ngày 24/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng hai phương án để xin ý kiến ĐBQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới.

Một là lập ngay Quỹ để kịp thời sử dụng trong tình trạng thảm họa, sự cố. Thứ hai là chỉ lập khi có tình huống khẩn cấp, do Thủ tướng quyết định.

Kết quả, 374/494 ĐBQH tham gia ý kiến, trong đó có 68,36% (255 ĐBQH) tán thành phương án 1.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đại đa số ĐBQH đều đồng tình với việc có Quỹ Phòng thủ dân sự, do đó việc thành lập quỹ là cần thiết.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, quy định nội dung của phương án 1. Theo đó, Quỹ Phòng thủ dân sự là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh để huy động nguồn lực xã hội, hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự.

Quỹ Phòng thủ dân sự được sử dụng cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu yếu phẩm thiết yếu; hỗ trợ tu sửa, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học tại địa điểm bị ảnh hưởng do sự cố, thảm họa gây ra.

Quỹ Phòng thủ dân sự được hình thành từ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; nguồn điều tiết từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Nguyên tắc hoạt động của quỹ hỗ trợ cho các hoạt động phòng thủ dân sự mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu; việc điều tiết giữa quỹ phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thực hiện trong trường hợp cấp bách.

Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Phòng thủ dân sự; việc điều tiết giữa Quỹ Phòng thủ dân sự và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có liên quan đến hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.

Lực lượng quân đội hỗ trợ vận chuyển tro cốt của những người qua đời vì Covid-19 ở TP.HCM. Ảnh: Thanh Tùng

Về cấp độ phòng thủ dân sự, có ý kiến đề nghị làm rõ về tính chất nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh so với sự cố, thảm họa ở các cấp độ. Có ý kiến cho rằng các biện pháp phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp và trong tình trạng chiến tranh, thiết quân luật là chưa phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tính chất nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh đã được quy định trong Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp, Luật Quốc phòng. Do đó, các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Luật Phòng thủ dân sự quy định các tiêu chí, căn cứ để xác định các cấp độ phòng thủ dân sự nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, quy định các biện pháp áp dụng trong các trạng thái của xã hội (trong thời bình, tình trạng khẩn cấp và tình trạng chiến tranh) nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Các biện pháp quy định tại Luật này không thay thế cho các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh mà tạo nên tổng thể các biện pháp cần thiết để bảo vệ Nhân dân, nền kinh tế khi xảy ra thảm họa, sự cố. Trong tình trạng khẩn cấp, tình trạng chiến tranh, tình trạng thiết quân luật vẫn cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự theo quy định của Luật này để phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố, thảm họa.

Luật quy định phòng thủ dân sự có 3 cấp độ. Trong đó, Chủ tịch UBND cấp huyện ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 1 trên địa bàn quản lý; Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 2 trên địa bàn quản lý; Thủ tướng ban bố, bãi bỏ phòng thủ dân sự cấp độ 3.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.