"Gia đình tôi thường có thói quen cùng nhau xem phim trên TV bằng ứng dụng YouTube vào buổi tối. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, tôi đã phải chuyển qua sử dụng một số ứng dụng xem phim khác. Có rất nhiều quảng cáo lừa đảo, quảng cáo về các loại "thuốc tiên" xuất hiện trên YouTube, từ thuốc trị xương khớp, viêm loét dạ dày hay thần dược giảm cân. Thậm chí, không ít lần tôi còn bắt gặp quảng cáo về thuốc cường dương hay thuốc trị yếu sinh lý xuất hiện xen kẽ giữa các video giải trí. Điều này gây ra rất nhiều phiền toái và khó chịu", anh Lê Thanh, một nhân viên văn phòng tại quận 3, TPHCM cho biết.
Chia sẻ với PV Dân trí, nhiều người dùng phàn nàn rằng hàng loạt video quảng cáo các loại "thần dược" đã quay trở lại trên YouTube. Vấn nạn quảng cáo thuốc đông y từng gây ra không ít bức xúc với người dùng Internet tại Việt Nam vào năm ngoái. Đến nay, chúng đã quay trở lại và tiếp tục tra tấn người dùng.
"Trên điện thoại hay máy tính, tôi có thể sử dụng một số phần mềm để chặn những quảng cáo lừa đảo này. Tuy nhiên, khi xem YouTube trên TV, tôi hoàn toàn không có giải pháp nào để ngăn chặn chúng. Những quảng cáo này rất phiền và gây ức chế", chị Ngọc Diệu, sống tại quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết.
Những video quảng cáo này vẫn được thực hiện theo phong cách quen thuộc trước đây. Theo đó, các video quảng cáo thuốc sẽ được lồng ghép hình ảnh của người nổi tiếng hoặc một số người tự nhận là bệnh nhân đã khỏi sau khi sử dụng thuốc. Thậm chí, không ít đoạn quảng cáo còn lồng ghép cả logo của các đài truyền hình, dàn dựng giống như một video phóng sự để thu hút sự chú ý của người xem, nhằm lôi kéo người dùng tin tưởng đối với sản phẩm.
Trên thực tế, những video quảng cáo dạng này vi phạm nghiêm trọng chính sách của Google. Theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên trang web của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam. Ngoài ra, Google cũng cho biết các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng.
Dù vậy, giới chạy quảng cáo thuốc đông y vẫn có thể dễ dàng vượt mặt được các bước kiểm duyệt của Google khi những nội dung quảng cáo vi phạm có thể tồn tại nhan nhản trên nền tảng này.
"Có thể họ đã sử dụng một số thủ thuật giả mạo giấy phép để vượt qua kiểm duyệt của YouTube. Việc cấm các tài khoản Google Ads không phải là giải pháp có thể xử lý triệt để vấn nạn này. Ngưng tài khoản này thì họ sẽ tạo tài khoản khác và điều đó không hề khó. Đặc biệt, việc kinh doanh thuốc đông y, thuốc nam có biên độ lợi nhuận lớn, vì thế họ thường có thói quen làm việc theo kiểu ăn xổi, đánh nhanh rút gọn", ông Nguyễn Nhật Anh, một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực Digital Marketing chia sẻ.
(Theo Dân Trí)
YouTube sẽ gỡ bỏ các quảng cáo thuốc khi phát hiện vi phạm chính sách
Google có cơ chế phát hiện hàng tỷ quảng cáo vi phạm, nhưng chỉ gỡ bỏ khi phát hiện, do đó không phải lúc nào cũng lọc được hết các quảng cáo 'bẩn'.