"Trong những ngày nghỉ dịch tại nhà, tôi và các con đã dành khá nhiều thời gian để xem phim cũng như các chương trình giải trí trên YouTube. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi nhận thấy rằng tần suất quảng cáo xuất hiện trên nền tảng này ngày càng dày đặc; trong đó, các đoạn quảng cáo thuốc giảm cân, thuốc trị xương khớp khiến tôi vô cùng khó chịu", anh Tuấn Việt, 32 tuổi, sống tại quận 1, TPHCM chia sẻ.
Trao đổi với Dân trí, nhiều người dùng phàn nàn rằng nạn quảng cáo thuốc đông y trên YouTube đã quay trở lại. Hàng loạt các video quảng cáo thuốc trị gout, thuốc giảm cân hay thuốc trị viêm loét dạ dày lại xuất hiện tràn lan trên nền tảng này.
"Chỉ trong một buổi tối, tôi gặp đủ loại quảng cáo về thuốc giảm cân, thuốc trị thoát vị đĩa đệm, thuốc trị thoái hóa xương khớp,... Chúng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong khi tôi đang xem video. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất phiền phức", Thanh Bình, một sinh viên sống tại Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết.
Không khó để nhận thấy, những video quảng cáo này vẫn được thực hiện theo phong cách quen thuộc trước đây. Cụ thể, các video quảng cáo thuốc sẽ được lồng ghép hình ảnh của một số người nổi tiếng hay thậm chí là logo của các đài truyền hình để thu hút sự chú ý của người xem, nhằm lôi kéo người dùng tin tưởng vào sản phẩm.
Đây từng là vấn nạn nhức nhối đã xuất hiện trong thời gian dài trên nền tảng YouTube. Hồi cuối tháng 3, Dân trí cũng đã từng phản ánh về tình trạng quảng cáo thuốc trị xương khớp xuất hiện dày đặc khiến người dùng YouTube tại Việt Nam bị ám ảnh. Sau đó, người dùng YouTube cũng liên tục bị "tra tấn" bởi hàng loạt quảng cáo thuốc trị yếu sinh lý, thuốc trị dạ dày, hay thậm chí là thuốc kích dục.
Trên thực tế, những video quảng cáo dạng này vi phạm nghiêm trọng chính sách của Google. Theo chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc trên trang web của Google, thuốc là mặt hàng cấm chạy quảng cáo tại Việt Nam.
"Chúng tôi cam kết tuân thủ các quy định quảng cáo về chăm sóc sức khỏe và thuốc; do đó, chúng tôi hy vọng rằng quảng cáo và đích đến tuân theo các luật và tiêu chuẩn ngành phù hợp. Một số nội dung liên quan đến chăm sóc sức khỏe hoàn toàn không được phép quảng cáo, trong khi các nội dung khác chỉ được quảng cáo nếu nhà quảng cáo được chứng nhận với Google và chỉ nhắm mục tiêu đến các quốc gia được chấp thuận", chính sách Google cho biết.
Theo báo cáo An toàn quảng cáo năm 2020 được Google công bố cách đây không lâu, lượng vi phạm về quảng cáo đã tăng mạnh trong năm vừa qua. Google cho biết, công ty đã xóa 3,1 tỷ nội dung vi phạm chính sách, đồng thời hạn chế hiển thị với 6,4 tỷ nội dung khác.
Trong các quảng cáo bị xóa, có 867 triệu nội dung "lạm dụng hệ thống quảng cáo để đánh lừa người dùng click chuột". Thuốc và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực đứng thứ hai về số lượt vi phạm.
Cũng theo Google, các lỗi vi phạm đối với chính sách chăm sóc sức khỏe và thuốc là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại Việt Nam, có thể thấy YouTube vẫn chưa siết chặt các quy định cũng như quy trình kiểm duyệt nội dung quảng cáo của họ.
(Theo Dân Trí)
"Tôi quá mệt mỏi vì quảng cáo thuốc trên YouTube"
Chỉ vài tuần sau "cơn bão" thuốc trị xương khớp, người dùng YouTube tại Việt Nam lại tiếp tục bị tra tấn bởi hàng loạt quảng cáo khác liên quan đến thuốc đau dạ dày, thuốc yếu sinh lý.