Tôi năm nay 29 tuổi, chưa lập gia đình. Tôi rất nghiện uống cà phê. Trung bình mỗi ngày tôi uống ít nhất 3 ly. Nếu không có cà phê tôi khó tập trung làm việc. Các đồng nghiệp xung quanh tôi đều khuyên không nên uống nhiều cà phê vì có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản khi tôi kết hôn. Bác sĩ tư vấn giúp tôi, uống cà phê có ảnh hưởng như vậy không? (Lê Ngọc Khánh - Hoàng Mai, Hà Nội)
 
Bác sĩ Bạch Huy Anh - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) tư vấn:

Đã có nhiều báo cáo về các nguyên nhân gây suy giảm chức năng sinh sản như tuổi, bệnh lý phụ khoa, nguyên nhân di truyền... nhưng ảnh hưởng của lối sống đến khả năng sinh sản chưa được quan tâm nhiều. 

Trong khi đó, người trẻ lại đặc biệt quan tâm đến vấn đề này vì họ luôn muốn biết các hành vi lối sống giúp tăng cường sức khỏe nói chung và tăng khả năng sinh sản nói riêng. Họ cũng sẵn sàng thay đổi lối sống của bản thân để đạt được mục đích này.

Uống quá nhiều cà phê có thể ảnh hưởng tới khả năng thụ thai ở phụ nữ. Ảnh: Harvard Health

Cà phê trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại. Caffeine là thành phần chính trong cà phê và còn có trong  trà, nước ngọt, chocolate và một số loại thuốc. 

Có nhiều nghiên cứu xem xét mối liên hệ có thể có giữa caffeine và khả năng sinh sản. Đối với nam giới, không có bằng chứng rõ rệt cho việc tiêu thụ caffeine ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Các nghiên cứu hiện tại cũng không cho thấy rõ ràng tác động tiêu cực của caffeine đến khả năng sinh sản ở phụ nữ.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã báo cáo rằng việc tiêu thụ lượng caffeine cao (>300 mg) làm chậm quá trình thụ thai ở phụ nữ. Caffeine cũng liên quan đến vô sinh do tắc vòi trứng và lạc nội mạc tử cung, nguy cơ sảy thai tự nhiên tăng lên khi uống cà phê hoặc đồ uống có caffeine trong thời kỳ đầu mang thai.

Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan An toàn Thực phẩmchâu Âu (EFSA) khuyến nghị uống tối đa hai đến ba tách cà phê (tương ứng 200–300mg caffeine) mỗi ngày.