Tại Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nhân tố con người, trong đó quan điểm chủ đạo là: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

Nghị quyết cũng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đó là: Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định: Trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội đều phải đề cao nhân tố văn hóa, con người. Mọi hoạt động văn hóa, từ bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa; phát triển văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đến bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, văn hóa tôn giáo, xây dựng các thiết chế văn hóa…đều phải phục vụ thiết thực sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người.

Vấn đề văn hóa, con người giữ vai trò cơ bản, quan trọng, cũng đã được thể hiện ở nhiều nội dung trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Có thể thấy rằng, trước đòi hỏi từ thực tiễn đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã phát triển lý luận, nâng tầm quan điểm chỉ đạo khi xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Với những định hướng nói trên, việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Ban hành được một hệ thống các văn bản pháp lý trong lĩnh vực văn hóa; Công nhận và xếp hạng trên 40.000 di tích văn hóa, trong đó có 3.491 di tích cấp quốc gia, 105 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và 12 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản được UNESCO công nhận.

W-vanmieu-1.png
Văn Miếu- Quốc tử giám

Tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội trong và ngoài nước, trong đó có các lễ hội, liên hoan nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số. Mở rộng, đổi mới nội dung và hình thức trình bày cho hệ thống bảo tàng nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống, nâng cao giá trị văn hóa, khoa học cho người dân. Xây dựng các thiết chế văn hóa rộng khắp từ trung ương tới cấp xã, đồng thời từng bước hiện đại hóa như hệ thống thư viện, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa... Tích cực tuyên truyền để người dân nhận thức được vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng con người mới, xây dựng gia đình hạnh phúc, và môi trường văn hóa lành mạnh.

Đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ngày càng lớn mạnh, bao gồm cả văn hóa quần chúng, nghệ nhân và văn hóa đỉnh cao. Đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa từng bước đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân; Xây dựng và phát triển rộng khắp hệ thống thông tin, báo chí, xuất bản với nhiều loại hình báo chí nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin cho người dân, góp phần rút ngắn sự chênh lệch giữa các vùng miền về hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, các lĩnh vực về quyền tác giả, các quyền liên quan, lĩnh vực công nghiệp văn hóa, hợp tác quốc tế về văn hóa đều được đặc biệt chú trọng phát triển.

Đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay, vấn đề bảo vệ, gìn giữ văn hóa truyền thống, đấu tranh chống lại các sản phẩm phi văn hóa, các thông tin sai trái, thù địch được Đảng và nước ta hết sức quan tâm.

Có thể nói, những tư tưởng, quan điểm mang tính định hướng được đề cập trong Đề cương về văn hóa Việt Nam đã được Đảng ta không ngừng đổi mới và hoàn thiện nhằm bám sát vào tình hình thực tiễn phát triển của đất nước. Đây là những căn cứ lý luận quan trọng cho việc xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc; cũng như khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam.

Nhóm CTV