Đấu tranh phòng, chống mua bán người luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân tham gia.
Từ năm 2016, theo Quyết định số 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam lấy ngày 30/7 hàng năm là Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, trùng với Ngày thế giới phòng, chống mua bán người.
Đặc biệt, Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được Chính phủ ban hành nêu rõ: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống mua bán người; huy động nguồn lực trong nước, sự ủng hộ, hỗ trợ của các nước, tổ chức quốc tế và các tổ chức có liên quan…”.
Triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của các bộ, ngành liên quan và tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các cơ quan tăng cường trách nhiệm và phối hợp trao đổi trực tiếp, trao đổi bằng văn bản hoặc các hình thức phù hợp (điện thoại, email...), tổ chức các cuộc họp liên ngành theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
Tổ chức các đoàn liên ngành để thực hiện việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán…
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng chủ động hướng dẫn, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về vào các chương trình giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới, bảo vệ chăm sóc trẻ em, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương.
Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về công tác phòng, chống mua bán người.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền với sự tham dự của hơn 8.300 người; cấp phát trên 8.000 tờ rơi, 58 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại nơi công cộng, khu dân cư có nguy cơ cao với nội dung “Hãy tự tin chúng tôi luôn ở bên bạn”; cung cấp các cuốn sách hỗ trợ tâm lý xã hội cho nạn nhân bị buôn bán trở về.
Thực hiện mục tiêu “Bảo đảm nạn nhân được tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời, hiệu quả theo quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm”, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Cùng với cả nước, tỉnh Phú Thọ nỗ lực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người. Trong Quy chế phối hợp được ký kết giữa Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Ngoại vụ và đang triển khai thực hiện nêu rõ mục đích: Tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người, nhất là việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ lấy nạn nhân làm trung tâm, vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán người; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thực hiện công tác này.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh cũng tiếp nhận một trường hợp nạn nhân bị mua bán người trong nước. Việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được thực hiện đúng quy trình, quy định của Nhà nước và phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân.
Tuy không phải là điểm nóng về tình trạng mua bán người, nhưng trên địa bàn tỉnh, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Kết quả khảo sát sơ bộ tại các huyện, thành, thị cho thấy, phần lớn số nạn nhân bị buôn bán trở về chủ yếu là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; trình độ văn hóa thấp; ở các gia đình nghèo, nhận thức hạn chế; thiếu vốn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, có hoàn cảnh khó khăn. Các nạn nhân bị mua bán người phần lớn là tự trở về, không khai báo với chính quyền địa phương, không có giấy tờ chứng minh bị mua bán nên việc hỗ trợ cho nạn nhân gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội đa số chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ hoặc chỉ được tập huấn trong thời gian ngắn nên hiệu quả của hoạt động hỗ trợ nạn nhân, nhất là hỗ trợ về tâm lý còn chưa cao. Công tác tuyên truyền chưa đa dạng và phong phú, chưa tiếp cận được với nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là số nạn nhân bị mua bán ở vùng núi, dân tộc, gia đình có hoàn cảnh gặp khó khăn.
Vì vậy, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có những kiến nghị với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh về việc hỗ trợ nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, quốc tế, hỗ trợ có mục tiêu cho công tác phòng, chống mua bán người nói chung, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người nói riêng của tỉnh, công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội.