Người dân mua hàng tại chợ Ba Hàng quét mã QR để thanh toán. |
Dạo một vòng quanh khu chợ Ba Hàng, chúng tôi thấy hầu hết quầy hàng từ quần áo, đến thực phẩm và cả quán bán đồ ăn vặt đều đặt 1 mã QR để người mua quét mã thanh toán, rất ít người sử dụng tiền mặt.
Ông Nguyễn Văn Nam, một người bán thịt lợn tại chợ, cho biết: Từ hơn 1 năm nay, một số khách yêu cầu chuyển khoản khi mua hàng nên tôi đã in mã QR để ngay trên bàn, việc thanh toán trở nên nhanh gọn, tiện lợi hơn nhiều so với trước; không phải trả lại tiền thừa, không phải đếm tiền, nên vừa tiết kiệm thời gian, lại không phải lo lắng chuyện nhầm lẫn, trộm cắp nữa.
Chị Chu Thị Lan, một khách hàng mua rau tại chợ, chia sẻ: Từ lâu, tôi ít khi cầm theo tiền mặt, mà lựa chọn chuyển khoản khi mua bán. Tiền điện và nước sinh hoạt hằng tháng cũng đều tự động trừ vào tài khoản giúp tiết kiệm thời gian đi lại. Việc giao dịch không dùng tiền mặt giúp tôi kiểm soát, theo dõi các khoản chi tiêu khoa học hơn, không cần ghi chép như trước.
Ngoài hoạt động mua bán, nhiều giao dịch khác trên địa bàn TP. Phổ Yên đã được chuyển đổi dần sang hình thức không dùng tiền mặt. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thành phố đã tích cực cải cách hành chính, công khai các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa và trên cổng thông tin điện tử.
Đến nay, Cổng thông tin điện tử của thành phố đã đăng tải 250 thủ tục hành chính cấp thành phố và 193 thủ tục hành chính cấp xã, trên 15 nhóm lĩnh vực công khai như: Lao động - thương binh - xã hội, tư pháp, văn hóa - thể thao và du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, dân tộc, giáo dục - đào tạo, tài nguyên môi trường, nội vụ, giao thông, y tế...
Cùng với đó, Phổ Yên đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tăng cường trao đổi văn bản điện tử và ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Đồng thời triển khai ứng dụng các phần mềm dùng chung cho các cơ quan chuyên môn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử, tăng cường số lượng dịch vụ công được thực hiện toàn trình để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Hiện, thành phố có 167 thủ tục hành chính công thực hiện toàn trình. Ngoài ra, thành phố đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thanh toán số, không dùng tiền mặt.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức cơ quan, đơn vị cơ quan khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể thành phố, phòng ban chuyên môn, đơn vị sự nghiệp; UBND các xã, phường, trường học thuộc thành phố thực hiện thanh toán tiền lương thông qua tài khoản được mở tại ngân hàng; 100% trường học thu học phí và một số khoản thu liên quan theo hình thức không dùng tiền mặt; tỷ lệ người dân trên địa bàn nộp tiền điện trực tuyến đạt 85,37%; chi trả chế độ chính sách theo hình thức không dùng tiền mặt đối với người có công đạt khoảng 70%; đối tượng bảo trợ xã hội đạt 30%; chi trả lương hưu không dùng tiền mặt đạt 52%...
Phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt dần trở thành thói quen của người dân, trong đó phổ biến nhất là trong các giao dịch thanh toán tiền điện, nước, cước điện thoại, mạng Internet, viện phí, mua bán hàng hóa...
Theo Hải Hằng (Báo Thái Nguyên)