Xúc tiến hợp tác đầu tư thông qua Hội chợ Sâm Lai Châu

Thực hiện Kế hoạch số 3857/KH-UBND ngày 13/10/2022 của UBND tỉnh Lai Châu, Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa” sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 11/11 – 13/11/2022 với nhiều nội dung phong phú.

Sâm Lai Châu được quảng bá, giới thiệu tại nhiều sự kiện. Ảnh: Lê Anh Dũng. 

Hội chợ nhằm mục đích giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây sâm Lai Châu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư, liên kết với người dân sản xuất, kinh doanh cây sâm Lai Châu cũng như các sản phẩm từ sâm; công bố bản đồ quy hoạch phát triển vùng trồng sâm Lai Châu; kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật trồng, sản xuất giống, phát triển vùng trồng và công nghệ chế biến các sản phẩm từ sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. 

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng sâm Lai Châu, Hội thảo Chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu.

Ngoài các chương trình chính còn có nhiều sự kiện bên lề, giao lưu văn nghệ với sự tham gia của đội văn nghệ của 05 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu và một số câu lạc bộ khiêu vũ tiêu biểu trên địa bàn Thành phố Lai Châu. 

Gian hàng trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm và trà phục vụ tổ chức các hoạt động chính của Hội chợ (Khai mạc; Hội thảo Chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển sâm Lai Châu; Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển vùng trồng sâm Lai Châu; Bế mạc) có diện tích khoảng 720m2 ,trong đó khu trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sâm khoảng 200m2. 

Khu quảng bá văn hóa, du lịch của 5 bản du lịch cộng đồng tái hiện không gian kiến trúc nhà ở truyền thống của các bản du lịch cộng đồng tiêu biểu. Trong đó trưng bày, giới thiệu về đồ dùng sinh hoạt, nghề thủ công truyền thống, trang phục, trang sức, dụng cụ sản xuất… bao gồm bản Vàng Pheo xã Mường So (huyện Phong Thổ), bản San Thàng xã San Thàng (Thành phố Lai Châu), bản Thẳm xã Bản Hon và bản Sì Thâu Chải xã Hồ Thầu (huyện Tam Đường), bản Nậm Pắt xã Tà Mung (huyện Than Uyên). 

Khu trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và quảng bá du lịch với 30 gian hàng, trong đó: 29 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; 01 gian hàng trưng bày, quảng bá du lịch. 

Theo ông Hà Trọng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay: "Hiện cây sâm Lai Châu phát triển trong tự nhiên khoảng 30.000ha, trong đó vùng thích ứng cao để Tỉnh định hướng phát triển thành các vùng có quy mô tạo sản phẩm vào khoảng 17.000ha. Được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp báo cáo Thủ tướng cho phép Lai Châu phát triển thí điểm 2500ha.... Tại các vùng thích ứng, hiện nay doanh nghiệp đã liên kết với cộng đồng, người dân được giao khoán bảo vệ rừng. Chỉ khi đầu tư và phát triển được nhiều diện tích sinh trưởng thì mới đảm bảo được nguồn giống tốt và mở rộng diện tích cho loại cây dược liệu này".

Phát triển kinh tế từ dược liệu

Tỉnh Lai Châu có diện tích tự nhiên trên 9.000 km2, có chế độ khí hậu trung tính và ôn hòa. Một số địa bàn có độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, có khí hậu quanh năm mát mẻ. Thổ nhưỡng phong phú, đa dạng là điều kiện thuận lợi để phát triển các loài nông, lâm, thổ sản chất lượng cao.

Hợp tác xã Sâm Lai Châu. 

Với đặc thù trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất rừng và đất lâm nghiệp, rừng Lai Châu thuộc loại rừng nhiệt đới, có nhiều rừng già, nguyên sinh với quần thể thực vật phong phú, đa dạng về loài và là nơi chứa đựng nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại và công dụng chữa bệnh như sâm Lai Châu, lan Kim tuyến, bảy lá một hoa... Cùng với tỷ lệ che phủ rừng đạt 51,4% và có trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Đây chính là tiềm năng, lợi thế rất lớn để tỉnh phát triển kinh tế dưới tán rừng, phát triển dược liệu, đặc biệt là cây sâm Lai Châu.

Sâm Lai Châu có tên gọi khác là tam thất Mường Tè, tam thất đen, tam thất đỏ, phân bố trên núi Pu Si Lung, Pu Sam Cáp. Loại cây này có hàm lượng hoạt chất quý tương đương với sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, sâm Lai Châu đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác tự phát và chưa hình thành các khu sản xuất tập trung. Việc áp dụng khoa học và công nghệ vào gieo trồng, khai thác và chế biến cây sâm chưa tương xứng với giá trị, tiềm năng.

Phát triển cây sâm Lai Châu, loài cây bản địa, là cây thuốc quý hiếm với thành phần saponin phong phú có công dụng phòng, điều trị nhiều loại bệnh và bồi bổ sức khỏe, có giá trị kinh tế cao đang là hướng đi được lãnh đạo tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ phát triển.

Với tính cấp thiết bảo tồn và để sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, Tỉnh đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về dược liệu này và 1 đề tài cấp bộ; ban hành Đề án Phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 được phê duyệt theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định tại Nội dung 2 thuộc Tiểu dự án 2 (Dự án 3) là đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý. Mục tiêu là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gen dược liệu đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Quỳnh Nga