Việt Nam được công nhận là một trong điểm đa dạng sinh học lớn của thế giới. Với địa hình trải dài theo nhiều vĩ độ, khí hậu Việt Nam là đặc trưng của vùng nhiệt đới cận xích đạo, tạo nên sự đa dạng trong tài nguyên cũng như cảnh vật thiên nhiên, đặc biệt là hệ sinh thái biển.

Vùng biển nước ta vô cùng rộng lớn với trên 4000 hòn đảo lớn nhỏ trong đó riêng vùng biển Đông Bắc đã có trên 3000 đảo, ngoài ra còn có 40 đảo thuộc Bắc Trung Bộ, còn lại thuộc vùng biển Nam Trung Bộ, Tây Nam và cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở trung tâm biển Đông.

Biển Đông là ngôi nhà của khoảng 2000 loài cá trong đó tới 100 loài có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, biển Đông còn được ví như bồn trũng chứa dầu khí lớn của thế giới với dự báo trữ lượng dầu mỏ khoảng 213 tỷ thùng và 2000 tỷ m3 khí cùng với nhiều khoáng sản quý như mangan, titan, uranium,…80% lượng dầu mỏ thế giới vận chuyển qua vùng biển này cũng như 30% lượng hàng hóa giao thương trên thế giới trao đổi qua đây – khẳng định vị trí chiến lược vô cùng quan trọng của khu vực này.

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, thận trọng xem xét bối cảnh quốc tế và tiềm lực quốc gia, Đại hội hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Về cơ bản, các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế biển thể hiện trong các văn kiện, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 như sau:

Về mục tiêu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.

{keywords}
Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh

Về quan điểm phát triển, phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Về các nhiệm vụ chủ yếu, phát triển bền vững kinh tế biển phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, kiểm soát khai thác tài nguyên, phục hồi hệ sinh thái biển, gắn liền với bảo đảm quốc phòng – an ninh và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Khẩn trương xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia. Hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trên biển. Ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. 

Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển. Tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.

Hoàn thành trên 1700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau, ưu tiên đoạn ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững các hệ sinh thái, đa dạng sinh học biển, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển. Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển.

Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển. Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.

Phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển bằng 65 - 70% GDP cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản đầy đủ, nhất là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục.

Trần Chung