Ban đầu công trình này là chung cư, sau đó chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng thành bệnh viện quốc tế quy mô 500 giường. Hiện công trình đang được cải tạo và quảng bá là dự án bất động sản hàng hiệu.
Pháp lý phức tạp
Tại địa chỉ số 800 Đồng Văn Cống (P.Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức, TP.HCM), hơn 6 năm qua, năm toà cao ốc của Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang phơi nắng mưa.
Theo tài liệu của PV VietNamNet, Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang trước đây là dự án chung cư Thái Bình Plaza, do Công ty TNHH Đá Xây dựng Bình Dương (Công ty Đá Bình Dương) làm chủ đầu tư.
Hoàn tất thủ tục pháp lý vào năm 2008, Công ty Đá Bình Dương đã thi công và hoàn thiện dự án chung cư Thái Bình Plaza trong 2 năm sau đó.
Tháng 10/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cấp 370 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) cho chủ đầu tư. Trong đó, có 10 sổ hồng của các sàn thương mại, còn lại là của căn hộ tại dự án.
Dù đã hoàn thiện xây dựng nhưng do việc kinh doanh không khả quan, chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng thành bệnh viện quốc tế, quy mô 500 giường.
Đến tháng 9/2014, Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép cho Công ty Đá Bình Dương sửa chữa, cải tạo các toà cao ốc của dự án từ công năng chung cư thành bệnh viện.
Đầu năm 2015, Bệnh viện quốc tế Phúc An Khang đi vào hoạt động. Nhưng chỉ hơn 2 năm sau, bệnh viện này phải đóng cửa vì thua lỗ, không còn khả năng hoạt động.
Pháp lý phức tạp của công trình này tiếp tục có sự thay đổi. Tháng 7/2019, UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, diện tích 180,8ha.
Theo đó, ô phố I-N5 diện tích 9.512,7m2 được điều chỉnh chức năng sử dụng đất từ bệnh viện đa khoa thành đất nhóm nhà ở quy hoạch ngắn hạn, quy mô 23 tầng, dân số 1.040 người. UBND TP.HCM yêu cầu lập lại thủ tục công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư.
Tháng 11/2019, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng - phương án kiến trúc dự án khu chung cư cao tầng tại dự án. Chức năng chính của công trình là chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ với tầng cao tối đa 23 tầng, quy mô dân số tối đa 1.040 người.
So với quy hoạch ban đầu, công trình tăng thêm 3 tầng cao. Đây được xem là công trình đầu tiên của Việt Nam chuyển đổi từ chung cư thành bệnh viện sau đó lại chuyển thành chung cư.
Dự án đổi tên, liệu có đổi vận?
Cuối năm 2021, giới bất động sản TP.HCM bất ngờ trước thông tin, công trình này chuyển đổi thành chung cư hạng sang với tên gọi Swiss Belresidences Upper East Saigon. Lễ khởi công được tổ chức rầm rộ. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hasco (Hasco Group) được giới thiệu là đơn vị phát triển dự án.
Theo thông tin quảng bá, dự án Swiss Belresidences Upper East Saigon được định hình ở phân khúc bất động sản hàng hiệu, cung ứng ra thị trường 1.450 căn hộ.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến tháng 8/2022, cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo chức năng công trình từ bệnh viện thành chung cư tại dự án trên.
Đầu tháng 4/2023, Hasco Group ký kết hợp tác với Tập đoàn Banyan Tree (Singapore) quảng bá dự án Skypark Atria Saigon. Đây là dự án đầu tay của Hasco Group tại TP.HCM.
Theo tìm hiểu của PV VietNamNet, hiện có nhiều thông tin giới thiệu dự án Skypark Atria Saigon toạ lạc tại số 800 Đồng Văn Cống. Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bách Lộc, thuộc Hasco Group. Dù vậy, giá bán cũng như thời điểm mở bán chưa được tiết lộ.
Hasco Group là doanh nghiệp kinh doanh và đầu tư bất động sản, trụ sở tại Hà Nội. Ngoài bất động sản, doanh nghiệp này còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, xuất nhập khẩu…
Một số hình ảnh thực tế của dự án:
Ban đầu công trình này là chung cư, sau đó chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng thành bệnh viện quốc tế quy mô 500 giường. Hiện công trình đang được cải tạo và quảng bá là dự án bất động sản hàng hiệu.