Rời khỏi phòng cấp cứu của BV Nhiệt đới Trung ương đã 3 ngày, bệnh nhân 86 (bà H., SN 1966, điều dưỡng Trung tâm bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai) vẫn chưa hết bàng hoàng về khoảng thời gian phải điều trị khi có kết quả dương tính với SARS-CoV2.

16 ngày trong phòng cấp cứu (19/3-3/4) là những ngày khó quên nhất trong cuộc đời người phụ nữ 54 tuổi này.

Buổi chiều ngày 19/3

Bệnh nhân 86 có tiền sử huyết áp cao và phải uống thuốc ổn định huyết áp hàng ngày. Ngày 16/3, khi đi làm tại BV Bạch Mai, bà H. vẫn mệt mỏi nên đo huyết áp. Thấy kết quả huyết áp cao (170/120), bà sang Khoa C4, Viện Tim mạch, BV Bạch Mai để thăm khám. Bác sĩ khuyên bà ở lại để theo dõi.

Đến sáng ngày 19/3, bà H. được rời khỏi Khoa C4. ‘Sáng 19/3, tôi làm thủ tục ra viện và cảm ơn các y, bác sĩ. Buổi trưa, tôi trở về Trung tâm bệnh nhiệt đới để ăn cơm. Lúc này, cả trung tâm nhận được lệnh sàng lọc bệnh nhân vì có một điều dưỡng dương tính với SARS-CoV2.

Tôi cũng tham gia sàng lọc. Đến chiều 19/3, một số lãnh đạo và nhân viên bệnh viện gọi điện hỏi: ‘Chị H. ơi, chị đang ở đâu?’. Liên tục nhiều người hỏi vị trí, tôi đoán chắc mình có vấn đề’.

Quả thật, nữ điều dưỡng 54 tuổi có kết quả dương tính nCoV. Hơn 5h chiều ngày 19/3, bà H. được chuyển vào BV Nhiệt đới Trung ương.

{keywords}
Bệnh nhân 86 khi đang điều trị ở Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

‘Lúc đó, tôi không kịp chuẩn bị gì, chỉ có một chiếc túi xách với chùm chìa khóa nhà, trên người vẫn nguyên bộ quần áo blue.

Lúc tôi đi xuống, mọi người dạt xa ra, không ai dám gần. Tôi lên xe đúng vào đêm mưa rét, trên tay chỉ có chiếc túi xách. Thời điểm đó, tôi thấy cô đơn vô cùng’, bà H. khóc nhớ lại.

Nữ điều dưỡng có hơn 30 năm công tác trong ngành truyền nhiễm, cũng từng tham gia chống dịch SARS cách đây 17 năm, có ý thức rất cao về phòng chống bệnh lây nhiễm. Bà không ngờ rằng, mình có kết quả dương tính nCoV.

Vào BV Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân 86 phải ở phòng cấp cứu, trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh với các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, ho không dứt, sốt cao và không thể ăn uống, có nguy cơ phải dùng đến máy thở.

‘Từ đêm 20 sang ngày 21, tôi liên tục sốt cao. Cơ thể đau, mỏi mệt, không còn sức để nói. Lúc đó, tôi chỉ mong, mình có thể thở được’, bà H. nhớ lại về những ngày trên giường cấp cứu.

Áp lực không tưởng

Tuy nhiên nữ điều dưỡng cho biết, mệt mỏi về bệnh lý cũng không làm bà nặng nề bằng áp lực về tinh thần. Đó là những ngày tháng bà thừa nhận: ‘Trong cuộc đời mình, chưa bao giờ phải trải qua’.

Nữ điều dưỡng chia sẻ, bà lo cho mọi người nhiều hơn là bản thân. ‘Tôi có cháu ngoại mới 19 tháng tuổi, con gái đang mang thai và mẹ đẻ gần 80 tuổi… Bên cạnh đó, thời gian tôi nằm viện, người thân, bạn bè đến thăm. Tôi áy náy, vì mình mà mọi người lại trở thành F1’.

Sau khi bà H. có kết quả dương tính, mẹ, em gái và cháu gái của bà H. phải cách ly tại BV Đa khoa Hoài Đức. Chồng, con và cháu cách ly tại BV Hà Đông. Con gái bà có kết quả dương tính cũng phải vào BV Nhiệt đới Trung ương.

‘Nhà tôi phải đóng cửa, khử khuẩn, mỗi người một nơi, tan tác. Lúc trong viện, tôi chỉ biết nghe ngóng kết quả, cầu mong không thêm ai bị nhiễm như mình’, bà H. nhớ lại.

{keywords}
Các bác sĩ chuẩn bị những suất cơm cho bệnh nhân tại khu cách ly bệnh nhân âm tính, Khoa Nội, BV Nhiệt đới Trung ương. 

Thời điểm phải cấp cứu, bà H. không thể sử dụng điện thoại để xem tin tức. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển tốt, bà có khả năng dùng điện thoại và nhận được tin nhắn của những người thân động viên cố gắng, dặn dò ‘đừng suy nghĩ nhiều’. Lúc này, bà H. mới đoán, dường như đã có chuyện gì đó.

Nữ điều dưỡng bắt đầu đọc tin tức và thấy những bình luận không hay về bản thân. ‘Có những người nói rằng, tôi là nguồn lây nhiễm; vì tôi mà khoa C4 và trung tâm nơi tôi làm việc phải cách ly… Tôi sốc, suy sụp vô cùng’, bà nói.

‘Tôi từng tư vấn cho các bệnh nhân nhiễm HIV giúp họ vượt qua mặc cảm, kỳ thị nhưng không ngờ một ngày mình lại rơi vào trường hợp đó. Tôi đau lòng lắm’, nữ điều dưỡng khóc.

Hàng chục năm công tác trong ngành y, còn 1 năm nữa về hưu, bà H chia sẻ: ‘Tôi từng nói với con gái, cả cuộc đời mẹ chỉ thích đứng lẫn trong đám đông, bình yên. Mẹ không thích nổi bật, đứng một góc như thế này đâu. Thực sự rất cô đơn’.

Theo bà H., nhiều năm làm trong ngành truyền nhiễm, từng tư vấn hỗ trợ sức khỏe cho nhiều bệnh nhân HIV, bà cũng từng tham gia chống dịch SARS nên rất có ý thức về vấn đề phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

‘Nếu có dấu hiệu ho, sốt từ trước đó, tôi không bao giờ sang Trung tâm C4 để chữa trị về tim mạch do huyết áp cao’, bà khẳng định.

Khi được lãnh đạo bệnh viện, người thân động viên, bà H. mới bình tĩnh hơn. ‘Tôi nghĩ, mình phải vượt qua được nguy hiểm, phải sống. Sống được, mới giải quyết được các vấn đề khác’, bà nói.

Nữ điều dưỡng cố gắng tuân thủ chỉ dẫn, phác đồ điều trị. Dù không muốn ăn, uống bà vẫn cố gắng ăn, cố gắng vận động… để sức đề kháng tốt lên. Chính sự động viên của người thân, gia đình và nỗ lực của bản thân đã giúp bà vượt qua được cơn nguy kịch.

‘Mừng lắm’ là tâm trạng của bà hiện tại khi tình hình sức khỏe ổn định. Bệnh nhân 86 cũng muốn gửi lời cảm ơn đến đồng nghiệp của mình – các y, bác sĩ BV Nhiệt đới Trung ương.

‘Mỗi ngày 2, 3 lần họ phải lấy khí máu để kiểm tra nồng độ oxi trong máu cho tôi. Nhìn các y, bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, mồ hôi chảy ròng ròng vẫn kiên trì làm thủ thuật, tôi xúc động vô cùng’, bà nói.

‘Khi chọn nghề y, tôi và các đồng nghiệp xác định phải đối mặt nhiều nguy cơ lây nhiễm nhưng tôi chấp nhận và tự hào về nghề của mình. Tôi cũng mong các bệnh nhân Covid-19, hãy tin tưởng, thông cảm và tuân theo chỉ dẫn bác sĩ. Có thế, chúng ta mới vượt qua đại dịch này’, bệnh nhân 86 chia sẻ thêm.’, bệnh nhân 86 chia sẻ thêm.

Bệnh nhân 39: "Chỉ khi biết tất cả F1 của mình âm tính, tôi mới trút được gánh nặng"

Bệnh nhân 39: "Chỉ khi biết tất cả F1 của mình âm tính, tôi mới trút được gánh nặng"

 - Khi biết tin mắc Covid-19, chàng thanh niên 25 tuổi rơi vào khủng hoảng. Nhưng, không phải vì cậu lo lắng cho bản thân, mà là vì lo lắng cho những người xung quanh mình.  

Bạch Thị Hân - Ngọc Trang - Nguyễn Liên
Ảnh: Bùi Thị Thu Hiền