Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh, với tư duy mới, cách làm mới của Yên Bái, bà con đồng bào dân tộc làm du lịch cộng đồng, làm homestay, các bạn trẻ từ Hà Nội về làm trang trại hoa hồng, làm trà Suối Giàng… đem lại hiệu quả cao, làm cuộc sống ở các vùng nông thôn đổi thay.

Trao đổi về câu chuyện xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái khẳng định, đây là vấn đề tiếp tục nhận được sự quan tâm của của Đảng, chính quyền tỉnh.

Ông cho biết, kết thúc năm 2022, có 99/150 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66%; 27 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Chương trình mỗi xã một sản phẩm đến nay đã có 191 sản phẩm OCOP, trong đó có 21 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Đặc biệt, có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Ruộng bậc thang ở Yên Bái đang thu hút nhiều khách du lịch. Ảnh: Thế Cường.

Theo ông Phước, những năm gần đây, Yên Bái xác định xây dựng nông thôn mới chuyển từ “lượng” sang “chất”, đi vào chiều sâu. Do đó, các mô hình chuỗi giá trị được ưu tiên hỗ trợ đã đem lại hiệu quả cao.

Đơn cử, mô hình canh tác lúa trên ruộng bậc thang tại các huyện vùng cao là hình thức sản xuất mới của tỉnh đang phát huy hiệu quả, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần bảo vệ cảnh quan thiên nhiên môi trường sinh thái, gìn giữ phát huy bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số. 

“Đây là sự thay đổi chuyển biến mạnh mẽ, hết sức tích cực trong tư duy sản xuất nông nghiệp từ đơn giá trị sang đa giá trị, từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần tuý sang tư duy kinh tế nông nghiệp để làm sao giá trị hạt thóc, cân gạo được kết tinh của sự sáng tạo và bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào nông dân nông thôn”, ông nói.

Hay như mô hình vùng chè shan tuyết Suối Giàng gắn với gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cũng đang rất phát triển và thu hút du khách.

Ông Phước cho biết, tỉnh Yên Bái có hơn 800ha diện tích chè shan tuyết cổ thụ. Hiện tỉnh đã chỉ đạo định hướng duy trì phát triển vùng chè shan cổ thụ tại một số xã vùng cao gắn với củng cố phát huy bản sắc văn hoá bản địa, đầu tư chuỗi du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch tới trải nghiệm; góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng xanh, bền vững, thực hiện có hiệu quả trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Qua các mô hình trồng lúa trên ruộng bậc thang, chè shan tuyết và một số mô hình khác đã có tác động rất lớn tới thu hút khách du lịch tới tỉnh Yên Bái.

Thông qua những mô hình này, tỉnh đã phát huy những thế mạnh về du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch. Năm 2022, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021, cụ thể thu hút 1,5 triệu lượt khách. Qua đó, giúp thu nhập của người dân nông thôn nâng lên, diện mạo làng quê thay đổi, ông Nguyễn Thế Phước bày tỏ.

Ngoài ra, năm vừa qua, tỉnh Yên Bái cũng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, 100% sản phẩm OCOP địa phương đều được đưa lên các sàn thương mại điện tử, từ đó nâng cao sức tiêu thụ, tạo thu nhập ổn định để người dân gắn bó với nghề truyền thống ở nông thôn.

Hà Giang