Nà Nhạn là một xã thuộc vùng 3 của huyện Điện Biên, cách trung tâm huyện 25 km, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất mang tính thuần nông, mùa màng được, mất còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Nhận thức sâu sắc được vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã luôn xác định chỉ có con đường phát triển xây dựng NTM theo tinh thần Nghị quyết cùa Đại hội Đảng các cấp đã đề ra để thực hiện mục tiêu phát triển.

Xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) là vùng cửa ngõ của thành phố Điện Biên Phủ, nơi đây có Di tích đường kéo pháo, trận địa pháo và hang Huổi Hẹ (Sở Chỉ huy thứ 2 của chiến dịch, đóng trong 13 ngày từ ngày 18/1/1954 – 30/1/1954) của quân đội ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954. 
Khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM (năm 2011), xã Nà Nhạn mới cơ bản đạt được 5/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ. Khi đó xã Nà Nhạn cũng được đánh là có xuất phát điểm thấp với tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất còn lạc hậu; kết cấu hạ tầng thấp kém không đồng bộ.
Đường vào UBND xã Nà Nhạn đã được đổ bê tông cũng như nhiều con đường trong các thôn bản thuộc xã.
Công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức xã và thôn, bản còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng NTM. Chính vì vậy, khi triển khai thực hiện các tiêu chí còn lúng túng, chưa xác định được hết những khó khăn do yêu cầu của thực tiễn đặt ra.
Kết quả sau 8 năm thực hiện xây dựng NTM, nhất là trong năm 2018, xã Nà Nhạn đã có những bước chuyển biến vượt bậc với cơ bản đạt chuẩn 19/19 tiêu chí với 44/49 chỉ tiêu đạt 89,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 11,92%; nhiều mô hình phát triển sản xuất mang tính chuyển đổi đã được mạnh dạn triển khai thực hiện, hệ thống công trình cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của xã.
Trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia và được công nhận đạt chuẩn quốc gia đạt 100%.
Cơ sở vật chất văn hóa năm 2018 tiếp tục được đầu tư thêm 7 nhà văn hóa thôn, bản là nơi sinh hoạt văn hóa chung của 18 thôn, bản trên địa bàn xã; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được diễn ra thường xuyên, gắn với xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong nhân dân, các quy ước ở thôn được bổ sung kịp thời để triển khai thực hiện góp phần đẩy lùi, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau...giảm hơn nhiều so với các năm trước.
Điện lưới được kéo đến từng nhà người dân.
Nhiều ngôi nhà khang trang lần lượt được xây dựng.
Bên cạnh những thay đổi về bộ mặt nông thôn qua phong trào thi đua xây dựng NTM thì nhận thức của nhân dân cũng thay đổi rõ rệt, các tầng lớp nhân dân nhiệt tình đóng góp sức người sức của để xây dựng NTM như đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp, chỉnh trang nhà ở khu dân cư và đầu tư xây dựng mới các công trình nhà tiêu hợp vệ sinh với phương châm nhà nước hỗ trợ nhân dân tự làm.
Bên cạnh đó, xã cũng đề ra những mục tiêu cụ thể để làm tốt công tác vệ sinh môi trường nông thôn, tạo nên những điểm nổi bật của xã NTM như tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân chủ động phân loại xử lý rác tại cộng đồng dân cư và hộ gia đình; tập trung xử lý vấn đề rác thải nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, làm đẹp cảnh quan các công trình công cộng; phát động phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, trong đó nội dung chủ yếu hướng vào xử lý môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở từng hộ dân và cộng đồng dân cư.

Phan Tuấn Anh