Hạ lãi suất, tăng tiếp cận vốn

Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Trong các tháng đầu năm 2023, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, NHNN liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 0,5-2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Cụ thể: Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm...

Đến nay, mặt bằng lãi suất thị trường đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng hơn 1,0% so với cuối năm 2022).

Vốn cần đi vào khu vực sản xuất. 

Chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành cho rằng: Ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng, nhưng hiện nay, bối cảnh tạo điều kiện cho chúng ta có những chuyển hướng chính sách, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ, mà cơ bản hướng vào việc hỗ trợ tăng trưởng.

Ví dụ, chúng ta nói đến nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất, tăng cung tiền. Đối với chính sách tài khóa, có điểm khác biệt là vấn đề liều lượng, là tương quan giữa rủi ro và liều lượng (liều lượng quá mức thì tăng rủi ro).

"Đối với chính sách tiền tệ, câu chuyện liều lượng bao nhiêu là vừa hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Về lãi suất, tôi đồng ý như mục tiêu của Chính phủ là có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm. Chính sách tiền tệ có thể nới lỏng, nhưng về nguyên tắc quản trị thì không thể để 'đồng tiền dễ dãi", ông Võ Trí Thành lưu ý.

Thế nhưng, chúng ta đều thống nhất là chính sách tài khóa hiện có dư địa còn khá lớn, nhất là lĩnh vực đầu tư công mà chúng ta hay nói "có tiền mà không tiêu được". Vừa qua, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đạt 95% giải ngân hơn 710.000 tỷ đồng đầu tư công trong năm nay. 

Ông Thành nhấn mạnh: Trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống. Bên cạnh thanh khoản, nếu đồng tiền trở nên dễ dãi thì mục tiêu hướng đến thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh có thể bị ảnh hưởng. Bởi, dòng tiền này không đổ vào sản xuất kinh doanh mà "đi chơi tài sản tài chính" - điều này nếu diễn ra quá mức sẽ trở thành vấn đề.

Cho nên, đây là một thách thức đối với NHNN. Ví dụ, vừa rồi sửa Thông tư 06, NHNN yêu cầu NHTM giám sát chặt rủi ro với nguồn tiền vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản.

Theo các chuyên gia, liên quan đến dòng tiền thì Việt Nam tăng cung tiền (M2), tăng tín dụng, giảm lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, là một nhu cầu bức thiết đặt ra. Vấn đề chính là lĩnh vực nào để tiền chảy vào và nó lành mạnh, hữu ích nhất cho sự phát triển, cho nền kinh tế.

Ông Đậu Anh Tuấn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gợi ý: Trong bối cảnh đó, các ngân hàng, ngành hàng cần chủ động. Ngành hàng nào tiềm năng thì cần chủ động có chương trình hợp tác riêng với các ngân hàng, chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp. Thậm chí, không chỉ nông lâm thủy sản, các ngành tiềm năng khác hoàn toàn có thể đề nghị hợp tác với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị Chính phủ có những chương trình, gói tín dụng riêng dành cho ngành hàng. 

Duy Khánh và nhóm PV, BTV