Chuyển đổi số được truyền cảm hứng bắt đầu từ lãnh đạo 

Theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm và là 1 trong 3 khâu đột phá để xây dựng địa phương. 

Trung tâm giám sát dịch vụ hành chính công Ninh Bình

Bởi vậy, ưu tiên cho chuyển đổi số được thực hiện xuyên suốt từ chủ trương, quan điểm chỉ đạo đến điều hành trong thực tiễn.

Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và động lực, Ninh Bình đang hướng tới mục tiêu “vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân” thông qua công cuộc chuyển đổi số. Và sự hưởng ứng, sử dụng các nền tảng số của nhân dân sẽ trở thành một tác nhân quan trọng thúc đẩy ngược lại để chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Với 3 trụ cột trọng tâm: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, Ninh Bình đang thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách đồng bộ, toàn diện và bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Trong đó, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và phát huy hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng tăng nhanh. 

Một trong những điểm sáng nữa là bước tiến về “kinh tế số”. Trong đó, hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã giúp người dân, các cơ sở sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm. Công cuộc chuyển đổi số đã tạo hiệu ứng tích cực đến mọi mặt của hoạt động xã hội. Hầu hết người dân đã ứng dụng công nghệ số vào hoạt động đời sống, sản xuất. Hiện tại, Ninh Bình đang triển khai tổ công nghệ số cộng đồng nhằm đưa các nền tảng số, công nghệ số đến người dân nhanh hơn, thường xuyên hơn, phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày.

Từ những thành công bước đầu, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tiên phong xây dựng mô hình "Chính quyền số cấp huyện". Đây được xem là những minh chứng sống động cho thấy sự nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương, được truyền cảm hứng từ sự quyết tâm của những người đứng đầu.

Tiên phong xây dựng mô hình "Chính quyền số cấp huyện"

Thành phố Tam Điệp được Ban Chỉ đạo Xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình “Chính quyền số cấp huyện” theo Nghị quyết số 01 ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Việc được tỉnh chọn làm đơn vị điểm thực hiện chuyển đổi số đã giúp cho thành phố Tam Điệp nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông, từ đó được định hướng các nội dung cụ thể, phù hợp trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên địa bàn. Chính vì vậy, để tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số, UBND thành phố đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp Trung tâm một cửa liên thông thành phố, đầu tư đầy đủ, đồng bộ máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý. Đồng thời,chỉ đạo các đơn vị, các xã tăng cường sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, như: hệ thống văn bản quản lý điều hành đảm bảo ký số đạt 100%. 

Trong hơn 1 năm qua, thành phố Tam Điệp đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp Trung tâm một cửa liên thông của thành phố với đầy đủ, đồng bộ về máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, bố trí cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý. Hoàn thiện việc thiết lập và nâng cấp hệ thống phòng họp trực tuyến tại Thành ủy, UBND thành phố, Nhà Văn hóa thành phố và tại các phường, xã nhằm nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố tới cơ sở.Bên cạnh đó, thành phố Tam Điệp cũng đã thiết lập phòng họp không giấy tờ tại UBND thành phố (đã tạo lập và sử dụng thử nghiệm dịch vụ hệ thống). Xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) thành phố để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. Hoàn thành nâng cấp mạng nội bộ (LAN)...

UBND thành phố Tam Điệp cũng đã hoàn thiện số hóa hồ sơ tài liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ năm 2015 trở về trước. Việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố theo Đề án 06 cũng đã hoàn tất. 

Hiện tại, 100% cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã được cấp và sử dụng hệ thống Thư điện tử công vụ (mail.ninhbinh.gov.vn) trong hoạt động công vụ và hoàn thành đăng nhập Hệ thống xác thực tập trung (SSO) của tỉnh Ninh Bình.

Phấn đấu năm 2023 sẽ hoàn thành các tiêu chí mô hình đề ra, hiện, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện 8/14 mục tiêu còn lại: 100% văn bản (trừ văn bản mật) được trao đổi trên môi trường điện tử và ký số; 100% dịch vụ công được đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 80% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn thành phố; 80% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả.

Gia Viễn