Nghị quyết 29-NQ/TW đã nêu rõ: “Xây dựng và triển khai chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045) theo hướng chú trọng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường; tăng cường năng lực sáng tạo và thiết kế, phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều công nghệ, có giá trị gia tăng cao và các ngành công nghiệp phát thải các-bon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ nguồn”.
Đó là một chủ trương rất đúng đắn trên nền tảng hiện nay. Trong những năm qua, mặc dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp.
Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo GII 2022, GII của Việt Nam xếp hạng 48/132 quốc gia (năm 2021 xếp thứ 44), nhưng một số chỉ số thành phần vẫn chưa được cải thiện như nhóm chỉ số về Giáo dục đại học xếp hạng 90, nhóm chỉ số bền vững sinh thái xếp hạng 113, giảm 18 bậc so với năm 2021. Nhóm chỉ số Lao động có kiến thức xếp hạng 68, giảm 2 bậc so với năm 2021. Nhập khẩu và xuất khẩu ICT (trên tổng giao dịch thương mại) chưa được cải thiện, tiếp tục giảm và ở thứ hạng thấp (xếp hạng 120 và 130).
Bên cạnh đó, tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của khu vực Nhà nước và tư nhân còn thấp, chỉ đạt 0,53% GDP năm 2019. Chỉ số này thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7% và một số nước như Thái Lan 0,8%, Malaysia 1,4%, Trung Quốc 2,1%.
Năng lực sáng tạo cũng còn thấp. Số bằng sáng chế của Việt Nam do các cơ quan uy tín thế giới cấp chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/3170 Trung Quốc, tỷ lệ bằng sáng chế/1 triệu dân là 0,21 đứng thứ 91/141 quốc gia. Trong 20 năm (2011-2020), số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm 4,62% tổng số bằng được cấp.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay có mức đầu tư thấp vào phát triển khoa học và công nghệ để đổi mới sáng tạo so với các doanh nghiệp quốc tế. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ yêu cầu chiếm 2% của lợi nhuận không đủ tạo ra một sự đột phá về trình độ công nghệ và sáng tạo. Việc sử dụng quỹ này còn nhiều bất cập không phù hợp với thực tế hoạt động nghiên cứu và đầu tư mạo hiểm vào công nghệ.
Trước thực trạng đó, cần tập trung chú trọng nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp nền tảng nhằm xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, hiện đại. Từ đó, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu, bảo đảm năng lực tự chủ về tư liệu sản xuất và nâng cao vị thế của một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu.
Cần tạo cơ chế hình thành năng lực sản xuất mới gắn liền với khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp quốc gia và tạo dựng thương hiệu Việt Nam dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao và các ngành kinh tế sáng tạo. Xây dựng Chiến lược quốc gia về sản xuất thông minh, trọng điểm tập trung vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên để tạo sự lan toả.
Khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy hình thành các Tập đoàn kinh tế lớn, đa sở hữu trong lĩnh vực công nghiệp, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới. Phát triển các doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự trở thành một động lực quan trọng cho phát triển đất nước.
Đồng thời, có chính sách ưu tiên, khuyến khích thu hút các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ áp dụng công nghệ hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hoá xuất khẩu.
Tăng cường liên kết và khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện đại. Chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam thông qua phát triển hoạt động nghiên cứu cũng như phát triển hệ thống doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Phát triển vườn ươm tạo doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực này.