Sơn La là nơi hội tụ 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, hình thành nên bức tranh văn hóa phong phú, giàu bản sắc với những di sản văn hóa tồn tại lâu đời mang ý nghĩa và giá trị to lớn. 

Những năm qua, hệ thống các thiết chế văn hóa đã được tỉnh quan tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng gắn với các cuộc vận động, phong trào “xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, khuyến khích bà con các dân tộc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 nhà văn hóa cấp huyện; 185/204 nhà văn hóa cấp xã; 2.898 nhà văn hóa cấp bản. Duy trì hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng, hơn 510 câu lạc bộ thể thao ở cơ sở, là những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh.

Các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; cuộc vận động xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” được triển khai mạnh mẽ đến từng cơ sở, tạo sức lan tỏa sâu rộng, nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân. Năm 2022, toàn tỉnh có 74% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, tăng 8,4% so với năm 2018; có 57,5% bản, tổ dân phố văn hóa; 98% đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học văn hóa.

Ngày 26/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận số 335-KL/TU về việc phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Sơn La đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm tập trung xây dựng và phát triển văn hóa Sơn La từng bước trở thành một nguồn lực quan trọng của mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện. 

PV