Trong kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam có sự đóng góp của các dân tộc ở khắp mọi miền của đất nước, trong đó có văn hoá Thái Tây Bắc,

Hiện giờ người Thái chiếm 16,7% trong thành phần dân tộc thành phố, chủ yếu sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các phường: Nam Thanh, Thanh Trường, Him Lam, Noong Bua và xã Thanh Minh TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

“Xống chụ xon xao”- một kiệt tác nghệ thuật dân gian

Ông Vi Trọng Liên, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái ở Sơn La, rất tự hào khi nói rằng: "Vốn văn hóa văn nghệ của người Thái rất dồi dào, đa dạng phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Người Thái có hơn 2.700 tác phẩm viết bằng chữ Thái cổ trên dấy dướng mực tàu. Nổi tiếng tiêu biểu như Xống chụ xon xao, Khun lù Nàng ủa, Ý nọi Nàng xưa, Nàng phôm hom...

Đặc biệt, “Xống chụ xon xao” là một kiệt tác nghệ thuật dân gian có giá trị nhân đạo sâu sắc, là tác phẩm đã được tiếp thu những tinh hoa của dân ca Thái, là một kiệt tác nghệ thuật dân gian, là truyện thơ hay nhất trong kho tàng truyện thơ của các dân tộc ít người, một tác phẩm lớn trong nền văn học Việt Nam.

“Xống chụ xon xao” là truyện thơ kể về một mối tinh son sắt, thủy chung nhưng lại bị ngăn cấm đầy oan trái. Đôi trai gái khi còn là hai bào thai, họ biết nhau từ trong bụng mẹ, hai người sinh ra gần như một giờ, một ngày và ở cùng một bản, họ yêu nhau từ thuở ấu thơ: “Yêu nhau từ thuở mới ra đời/Trao duyên gửi nghĩa từ hồi còn thơ”.

Lớn lên đôi trẻ “Đã thương nhau quyết lấy nhau”. Chàng trai hăm hở sắm lễ vật đến nhà người yêu để xin cưới, nguyện sẽ làm rể ngoan, “xin làm gà gô, cun cút cổ trơn”. Nhưng cha mẹ nàng gạt phăng đi vì chê chàng trai nghèo khổ. Cha mẹ nàng ép gả nàng cho một gã con trai nhà giàu nhưng xấu xí. Oái ăm thay khi “Mẹ cha ưng gả khi em còn ở trên nương/Khi em còn đang ngoài ruộng”.

Truyện thơ được lưu hành bằng những bản chép tay ở khắp vùng Tây Bắc: Nghĩa Lộ, Sơn La, Lai Châu... Bản do Mạc Phi sưu tầm và ấn hành năm 1960 có độ dài 1846 câu.

Mo Mường - di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường, Mo Mường được cấu thành bởi lời mo, môi trường diễn xướng và chủ thể thực hành diễn xướng mo.

W-momuong-1.png
Thày mo đang thực hành nghi lễ

Trong đó, lời mo có nội dung phong phú với nhiều câu thơ, câu văn, được sáng tác theo vần điệu và tuân thủ theo nguyên tắc diễn xướng nhất định. Môi trường diễn xướng của mo diễn ra trong đời sống cộng đồng, trong từng gia đình, nhằm thực hành một nghi lễ nào đó. Chủ thể thực hành Mo Mường là các thầy mo, là những người giữ tri thức mo, thuộc lòng hàng vạn câu mo và thông thạo các nghi lễ, tập quán, phong tục, là người có uy tín được cộng đồng tin tưởng.

Qua tư liệu khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, di sản Mo Mường chỉ còn được bảo lưu trên địa bàn 4 huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên, với khoảng 40 thầy mo. Trong đó, những thầy mo lớn, biết tất cả các loại mo chỉ còn khoảng 12 người và số lượng học trò khoảng 15 người. Các nghi lễ có tên gọi là Mo tại địa phương, gồm mo trong lễ tang, mo vía, mo cúng mụ, mo giải hạn, mo xin số, mo cưới, mo làm nhà mới, mo đôi đũa, mo mát nhà... Trong đó, mo trong lễ tang là loại hình đặc sắc nhất.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, cho biết: Tỉnh Sơn La đã phối hợp với 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Hòa Bình, thống nhất xây dựng hồ sơ Quốc gia Di sản văn hóa Mo Mường trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Đây là đề án được tỉnh Hòa Bình chủ trì, triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022-2025.

Sử thi “Táy pú xấc” - một kiệt tác đóng góp vào văn hoá, văn minh Đại Việt

“Táy Pú Xấc” là bộ sử thi lớn ghi lại lịch sử “Chinh chiến” của dân tộc Thái từ thời Tạo Lò (con Tạo Ngân) kéo dài đến Kam Nho (50 đời nối tiếp). Nhưng, rõ nét nhất là từ thời Lạng Chượng (con trai thứ 7 của Tạo Lò) kéo quân chinh chiến lên Mường Chiến, Mường Chai, lên Mường La, Mường Muổi (Thuận Châu), Mường Quài (Tuần Giáo), Mường ẳng rồi vào Mường Thanh (Điện Biên). Đến thời Tạo Thanh thì trở xuống đóng đô ở Mường Muổi.

Trải qua bước đường “Chinh chiến” của 50 đời Tạo, cư dân Thái đã phải đối mặt với không ít những hiểm nguy, trải qua bao phen “đầu rơi máu chảy, nước mắt sôi, mồ hôi đổ”. Đồng thời với những cuộc chinh chiến đó, cư dân Thái còn phải không ngừng đấu tranh để thống nhất nội bộ, ổn định cuộc sống, tạo dựng bản mường. Hơn nữa, do sinh tồn ở vùng đất “giữa” có sự liên quan tới cả vua Lào và vua Kinh, vì thế các thủ lĩnh Thái vừa phải cứng rắn kiên quyết, vừa mềm dẻo khéo léo xử trí phù hợp với thời thế trong quan hệ xã hội nhiều chiều cũng như trong quan hệ đối kháng địch ta. Kết quả Họ đã đạt được “vua Kinh cần, vua Lào yêu” [tr.4]. Và họ luôn giữ được bản Mường, không ngừng phát triển kinh tế văn hóa và bảo tồn được dân tộc.

Quá trình này được các Mo mường ghi chép lại một cách tỉ mỉ trong các tài liệu chữ Thái cổ như “Quam tô mương”, “Piết mương”, trong đó tiêu biểu nhất là sử thi “Táy pú xấc”. “Táy pú xấc” là do các ông Mo, ông Chang ở các địa phương viết, vì vậy thường mỗi mường có một bộ “Táy pú xấc”; ví như: “Táy pú xấc của Mường Tấc”, “Táy pú xấc của Mường Muổi”, ”, “Táy pú xấc của Mường Lò”, “Táy pú xấc của Mường Sang”, “Táy pú xấc của Mường Mụa”...; trong đó tiêu biểu nhất là “Táy phú xấc của Mường Muổi”, bởi nơi đây vốn là cố đô lâu đời của đồng bào Thái Tây Bắc...

“Táy pú xấc” tuy được bắt đầu từ thời Tạo Lò trải qua 50 đời đến Kam Nho, nhưng các sự kiện lịch sử trong bộ sử thi này có liên quan đến cả qúa trình “Chinh chiến” của cha, ông trước và sau đó rất nhiều. Kiệt tác của bộ sử thi “Táy pú xấc” không chỉ có giá trị về mặt lịch sử mà còn cả về lĩnh vực kinh tế xã hội và văn hoá.

Với ý nghĩa đó, thời gian qua nhiều tập thể và cá nhân đã tích cực sưu tầm các tài liệu chữ Thái ở địa phương; nhiều bộ “Táy pú xấc” cũng đã được sưu tầm và biên dịch ra chữ Quốc ngữ. 

Hồng Anh